Vốn hóa giảm sâu
Trong những tháng cuối cùng năm ngoái, dù giá thép giảm 8% so với quý III trước đó và hàng tồn kho giá rẻ được tiêu thụ hết, nhưng vẫn là năm thành công rực rỡ của 3 doanh nghiệp thép tiêu biểu trên sàn HoSE: CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG).
Theo thống kê, HPG ghi nhận lợi nhuận ròng 34.478 tỷ đồng (tăng 156,3%), HSG đạt 4.379 tỷ đồng (tăng 183,8%) và NKG đạt 2.225 tỷ đồng (tăng 654,2%). Kết quả kinh doanh đột biến cũng chính là yếu tố tạo nên sự bùng nổ của 3 mã CP này trong năm vừa qua. Cụ thể, HPG có thời điểm tăng lên gần 70.000 đồng/CP, trong khi HSG và NKG ngấp nghé mốc 60.000 đồng/CP.
Thế nhưng, mối quan ngại về triển vọng thị trường tiêu thụ thép ở mức thấp trong khi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đã kéo giá CP thép lao dốc. Thống kê 17 doanh nghiệp thép đang niêm yết, vốn hóa của nhóm ngành này đã sụt giảm khoảng 4 tỷ USD nếu tính từ thời điểm đầu năm 2022 đến nay.
Dẫn đầu đà lao dốc của ngành thép là HPG có thời điểm xuống dưới mức 22.000 đồng, tương đương mức giảm khoảng 36% so với thời điểm đầu năm. Ở mức giá này, vốn hóa của HPG bị “bốc hơi” gần 73.000 tỷ đồng, xuống chỉ còn 130.000 tỷ đồng. Thậm chí, HPG còn rớt khỏi top 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên thị trường.
Tương tự, HSG hiện chỉ còn hơn 16.000 đồng/CP, tương đương giá trị vốn hóa 8.800 tỷ đồng. Ở mức giá này, vốn hóa của HSG sụt giảm gần 9.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, với mức giá hiện chỉ hơn 17.000 đồng/CP, vốn hóa của NKG cũng sụt giảm khoảng 3.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Dự báo khó khăn
Sau khi sụt giảm trong quý IV-2021, giá thép tăng 15% trong quý I năm nay do nhu cầu bị dồn nén vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và 5 lại giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
Nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể do sự kết hợp của 3 yếu tố giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ; lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho; các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, kênh xuất khẩu có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý IV-2021. Sự sụt giảm về sản lượng như vậy do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Mỹ và EU, những thị trường từng chiếm 60-70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.
Hiện các công ty tôn mạ như HSG và NKG đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu thực hiện cho đến cuối tháng 7 và 8, với sản lượng khoảng 60.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, việc các đơn hàng xuất khẩu trước 1-2 tháng cho thấy xu hướng chậm lại so với giai đoạn ký trước 3-4 tháng.
Thêm vào đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ EU áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG). Theo EU, sản lượng xuất khẩu HDG của Việt Nam sang châu Âu ước đạt 979.000 tấn vào năm 2021. Với điều chỉnh này, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới.
Với mặt hàng thép cán nóng (HRC), sau khi tăng vọt 56% do xung đột Nga-Ukraine, đã điều chỉnh khoảng 35% về dưới mức trước khi căng thẳng xảy ra. Giá HRC ở Trung Quốc và Mỹ cũng giảm 15-20% trong 3 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn, trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ suy yếu tại thị trường Trung Quốc trước tình hình giãn cách xã hội, thời tiết bất lợi và thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại do lãi suất tăng.
Áp lực lợi nhuận thấp
Theo báo cáo mới nhất về ngành thép vừa được CTCK Sài Gòn (SSI) công bố, giá CP thép hiện đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép. Với mức định giá hiện tại, rủi ro giảm giá không còn lớn như giai đoạn trước, đặc biệt đối với NĐT dài hạn. Tuy nhiên, đà tăng cũng có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới.
Với nhận định này, SSI đã lấy HPG để dẫn chứng cho báo cáo phân tích. Cụ thể, SSI điều chỉnh giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của HPG từ 176.000 tỷ đồng và 31.100 tỷ đồng, xuống 160.000 tỷ đồng (tăng 6,9%) và 26.500 tỷ đồng (giảm 23,1%), chủ yếu do giả định giá thép giảm.
Ở mức giá hiện tại, HPG đang giao dịch ở mức P/E 2022 là 5,2x, mức thấp nhất trong lịch sử. Dù duy trì đánh giá “khả quan” với HPG, nhưng SSI lại giảm giá mục tiêu xuống 27.000 đồng/CP, với lý do giá CP giảm đã phản ánh phần nào triển vọng lợi nhuận, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn do đà đi xuống của giá thép.
SSI cũng điều chỉnh dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của HSG và NKG theo hướng giảm sâu. Đơn cử, HSG với lợi nhuận sau thuế đạt 1.400 tỷ đồng (giảm 67%), dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. HSG đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt 6,3x và 6x, giá mục tiêu 17.000 đồng/CP.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của NKG sẽ giảm 39% xuống còn 1.350 tỷ đồng. Ở mức giá hiện tại, NKG đang giao dịch ở mức P/E 2022 và 2023 lần lượt 3,7x và 4,9x, giá mục tiêu 21.000 đồng.
Đáng chú ý, SSI đã điều chỉnh khuyến nghị 2 mã CP này từ mức “khả quan” xuống mức “trung lập”. Tương tự, CTCK Mirae Asset (MAS) hạ khuyến nghị ngành thép từ mức “tích cực” xuống “trung tính” dựa trên các luận điểm: áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao làm bào mòn 3-6% biên lợi nhuận gộp, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.
Dù tỷ suất lợi nhuận có thể bị kìm hãm trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ cao hơn mức đáy ghi nhận được trong năm 2018-2019, do nợ của các doanh nghiệp thép đã giảm xuống mức an toàn hơn nhiều so với giai đoạn trước. |