Cổ phiếu thép khó khăn kép

Cùng cảnh ngộ với thị trường bất động sản (BĐS), doanh nghiệp thép đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực hàng tồn kho và sự cạnh tranh từ thép nhập ngoại.

Cùng cảnh ngộ với thị trường bất động sản (BĐS), doanh nghiệp thép đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực hàng tồn kho và sự cạnh tranh từ thép nhập ngoại.

Thị trường BĐS đóng băng khiến không chỉ có doanh nghiệp BĐS mà ngay cả doanh nghiệp thép cũng lao đao bởi các dự án xây dựng BĐS bị đình trệ khiến đầu ra của các doanh nghiệp thép gặp khó khăn. Dư thừa công suất bắt đầu từ thép xây dựng, sau đó lan sang thép ống và tôn mạ, thép cán nguội, phôi thép.

Theo ông Trần Văn Thạnh, Tổng giám đốc CTCP Thép Việt Ý (VIS), năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn khi thị trường BĐS đóng băng kết hợp với việc đầu tư các nhà máy thép tràn lan không theo quy hoạch đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Từ đó dẫn đến tình trạng sản lượng thép tồn kho tại các nhà máy liên tục tăng. Để giải quyết hàng tồn, các doanh nghiệp thép trong nước đua nhau bán phá giá, chấp nhận thua lỗ để thu hối vốn.

Thực tế, do bị buông lỏng khâu quản lý từ trung ương đến địa phương, dẫn đến hệ lụy công suất lắp đặt của các sản phẩm thép đều gấp 2 lần so với nhu cầu, riêng đối với thép cán nguội gấp gần 3 lần nhu cầu. Nếu nền kinh tế chưa hồi phục, vấn đề dư thừa này vẫn sẽ tiếp tục kéo dài không những trong năm nay mà còn đến các năm sau nữa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp thép trong khu vực. Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo các cam kết WTO và các hiệp định song phương và đa phương, nên đây là áp lực lên thép nhập khẩu.

Đặc biệt là Trung Quốc nước sản xuất và tiêu thụ 46% tổng lượng thép toàn cầu, do kinh tế nước này chậm lại khiến sắt thép dư thừa ước chừng 200 triệu tấn công suất, thúc đẩy họ buộc phải xuất khẩu. Do vậy, ngành thép Việt Nam tiếp tục đứng trước cạnh tranh kép từ áp lực dư thừa trong nước và thép nhập khẩu.

Các doanh nghiệp thép đang chịu áp lực hàng tồn kho.

Các doanh nghiệp thép đang chịu áp lực hàng tồn kho.

Do khó khăn của ngành vẫn còn kéo dài từ năm 2010 đến nay, nên đa phần các doanh nghiệp trong ngành đều có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn thua lỗ nặng. Theo BCTC 2012 của VIS, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.873 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại âm 17,7 tỷ đồng.

Đối với CTCP Thép Nam Kim (NKG), dù doanh thu bán hàng năm 2012 tăng hơn 13% so với năm 2011, nhưng lợi nhuận âm gần 100 tỷ đồng. Giải thích về nguyên nhân thua lỗ, ông Phạm Văn Trung, Tổng giám đốc NKG, cho rằng do Nhà máy Nam Kim 2 trong giai đoạn chạy thử nên chi phí phát sinh lớn. Trong khi đó, công suất chạy thử thấp dẫn đến tình trạng giá thành sản phẩm tăng cao, gây thua lỗ.

Không chỉ doanh nghiệp có quy mô nhỏ thua lỗ, ngay cả doanh nghiệp lớn nhất ngành là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hiệu quả hoạt động cũng đang đi xuống. Kết thúc năm 2012, kết quả kinh doanh của HPG không tăng trưởng với doanh thu đạt 16.825 tỷ đồng (giảm 5,7%), lợi nhuận sau thuế đạt 994 tỷ đồng (giảm 19,6%).

Tại ĐHCĐ của HPG được tổ chức cách đây không lâu, dù đưa ra mục tiêu lợi nhuận của năm 2013 lên đến 1.200 tỷ đồng nhưng các cổ đông hiểu rằng lợi nhuận lại không đến từ thép. Niềm hy vọng đang được dồn tất cả vào dự án BĐS Mandarin Garden, sẽ chính thức bàn giao tháng 9-2013.

Theo tính toán của CTCK Rồng Việt, tổng doanh thu của dự án này vào khoảng 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận ít nhất 500 tỷ đồng. Doanh nghiệp thép có kết quả kinh doanh khả quan nhất hiện nay là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Theo kết quả kinh doanh niên độ tài chính vừa qua, doanh thu của HSG đạt 10.088 tỷ đồng (tăng 24%), lợi nhuận sau thuế đạt 368 tỷ đồng (tăng 119%).

Các tin khác