Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa có tín hiệu hồi phục, lĩnh vực vận tải biển tiếp tục "ngụp lặn" trong khó khăn. Thực tế, doanh nghiệp vận tải biển hiện đang đứng đầu nhóm các doanh nghiệp niêm yết thua lỗ ngay trong quý I năm nay.
Chưa thấy lối thoát
Ngành vận tải biển toàn cầu đang đối mặt với những điều kiện kinh doanh cực kỳ khó khăn do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, công suất dư thừa, giá vận tải, cước phí cùng với số lượng hàng vận chuyển đều giảm. Tốc độ tăng trưởng ngành vận tải biển đã giảm từ 12-15% trong giai đoạn trước khủng hoảng xuống chỉ còn 2-3% hiện nay.
Đây là mức tăng trưởng không thể chấp nhận được và phần nào thể hiện sự suy thoái. Trên thực tế, kể từ năm 2009, cùng với ảnh hưởng chung từ nền kinh tế thế giới, nhu cầu vận tải sụt giảm mạnh đã kéo giá cước vận tải giảm theo.
Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào (xăng dầu) tăng mạnh khiến lợi nhuận ròng của các công ty vận tải biển đều giảm. Trong khi đó, tình trạng ứ đọng hàng tại một số khu vực và áp lực cạnh tranh cũng là một khó khăn lớn của các công ty.
Theo dự báo của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong những năm tới, các tuyến đường vận tải quốc tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhiều lý do như: tình trạng cung vượt cầu, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa có lối thoát, các nền kinh tế khác vẫn trong tình trạng tăng trưởng chậm, đặc biệt là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Tình trạng này sẽ còn kéo dài trong ít nhất 2 năm nữa, do đó các doanh nghiệp vận tải biển đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản hàng loạt.
Chết lâm sàng
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có khoảng 20 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn CK công bố thua lỗ trong quý đầu tiên của năm 2013, dẫn đầu về con số thua lỗ vẫn là các doanh nghiệp vận tải biển. Trong đó, doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất tính đến thời điểm hiện nay là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS).
Theo kết quả kinh doanh quý I-2013 của riêng công ty mẹ vừa được VOS công bố, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 500 tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng mạnh khiến VOS lỗ khủng với gần 97 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 60 tỷ đồng.
VOS vừa bị HOSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 2-4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ năm 2012 là con số âm. Do vậy, với khoản thua lỗ quá lớn ngay trong quý I, nhiều khả năng VOS sẽ tiếp tục thua lỗ trong năm 2013. Và viễn cảnh VOS bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch vào đầu năm 2014 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Việt Nam hiện có khoảng 600 tàu chạy tuyến quốc tế, tương đương khả năng tải 4,5 triệu DWT, nhưng đa phần là chở thuê cho nước ngoài. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ vận chuyển được từ 7-8% lượng hàng hóa, phần còn lại do các đội tàu ngoại đảm trách. |
Danh sách các doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ nặng còn có sự góp mặt của các gương mặt thân quen là CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA). Theo BCTC quý I-2013, VNA tiếp tục lỗ hơn 28 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do VNA thực hiện kinh doanh dưới giá vốn.
Việc khan hiếm nguồn hàng do nguồn xuất khẩu gạo của Việt Nam bị giảm mạnh cả về chất lẫn lượng đã tác động tiêu cực đến VNA. Bên cạnh đó, việc thời gian làm thủ tục, thanh toán kéo dài làm tăng thời gian tàu chờ đợi và phát sinh thêm chi phí cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của VNA. CP VNA hiện đang nằm trong diện cảnh báo do BCTC kiểm toán 3 năm liên tục (2009, 2010 và 2011) có ý kiến lưu ý của công ty kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục.
Một doanh nghiệp vận tải biển khác là CTCP Container phía Nam (VSG) cũng vừa báo lỗ hơn 10 tỷ đồng trong quý I-2013. Theo giải trình của VSG, nguyên nhân thua lỗ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cước vận tải biển cũng như giá cho thuê tàu giảm nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu hồi phục trong khi đó các chi phí giảm không đáng kể.
Đến thời điểm 31-3-2013, vốn chủ sở hữu của VSG đã âm 24 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối âm 151 tỷ đồng. Được biết, đây là quý thứ 15 liên tục doanh nghiệp này báo lỗ và VSG sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 3-5 tới do thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.
Trong danh sách các doanh nghiệp bị kiểm soát đặc biệt hiện có 2 doanh nghiệp vận tải biển khác là: CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC) bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 8-4-2011 do kết quả kinh doanh 2009, 2010 là con số âm và sau đó được giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát; CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận chưa phân phối năm 2012 âm.