Giá xi măng tăng, nhà đầu tư cổ phiếu xi măng vẫn lỗ
Nhóm cổ phiếu xi măng thời gian gần đây đón nhận nhiều thông tin có lợi. Thống kê từ Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 34,58 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 19,44 triệu tấn, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 15,14 triệu tấn, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm 2020, riêng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ khoảng 6,41 triệu tấn.
Bên cạnh việc gia tăng sản lượng tiêu thụ, giá bán sản phẩm cũng được nhiều công ty xi măng điều chỉnh tăng. Cụ thể, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai công bố tăng giá bán thêm 30.000 đồng/tấn đối với tất cả các sản phẩm xi măng bao và rời (áp dụng cho khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn cũng tăng giá bán 30.000 đồng/tấn từ ngày 21-4-2021. Xi măng Hoàng Long, Xi măng Xuân Thành, Xi măng Duyên Hà và Xi măng Long Sơn cũng tăng giá bán thêm 40.000 đồng/tấn sản phẩm từ cùng thời điểm.
Dẫu vậy, trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu ngành này như HT1 (Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên), BTS (Công ty cổ phần Xi măng Bút Sơn), hay BCC (Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn), HVX (Công ty cổ phần Xi măng Hải Vân)… chỉ phản ứng tích cực với thông tin tăng giá bán xi măng trong một thời gian ngắn rồi lại đi xuống kể từ tháng 4 đến nay.
Câu chuyện này cũng diễn ra ở cổ phiếu BCC. So với mức giá bình quân 13.000 đồng/cổ phiếu được xác lập vào ngày 8/4/2021, thị giá cổ phiếu BCC cuối tuần qua đã mất 20%.
Cổ phiếu HVX của Công ty cổ phần Xi măng Hải Vân sau 4 phiên trần liên tiếp hồi đầu tháng 4 khi có thông tin giá xi măng tăng lại rơi mạnh. Hiện cổ phiếu HVX đang giao dịch ở mức 4.500 đồng/cổ phiếu, mất tới gần 40% so với mốc 7.120 đồng/cổ phiếu xác lập vào ngày 16-4-2021.
Thị giá của hầu hết các cổ phiếu ngành xi măng hiện nằm trên dưới mệnh giá.
Giá bán xi măng tăng sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh quý II của các công ty xi măng, còn kết quả kinh doanh quý I của một số công ty vẫn chưa thực sự khởi sắc. Điều này phần nào lý giải việc cổ phiếu xi măng kém sức hút với nhà đầu tư.
Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân lợi nhuận quý I-2021 giảm là do giá vốn tăng mạnh so với mức tăng của doanh thu và mức giảm của chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.
Trước đó, Công ty báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 kém tích cực, với lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2019.
Tại Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, doanh thu quý I đạt 1.741 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 94,7 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ.
Cổ phiếu HT1 cũng vừa bị loại khỏi danh mục MSCIFrontier Markets Small Cap Index và lãnh đạo đã đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu. Những yếu tố này đã tác động khiến HT1 vào vòng giảm giá.
Còn với BCC, doanh thu quý I tăng nhẹ 0,89%, tương đương mức tăng 9,3 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 57,56%, tương đương giảm 14,44 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Rủi ro hiện hữu
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, từ sau khi dịch Covid-19 diễn ra, các cổ phiếu ngành xi măng đã có nhịp tăng giá tương đương VN-Index. Việc hưởng lợi trực tiếp từ sự tiết cung nguyên liệu cũng như gia tăng nhu cầu xi măng từ Trung Quốc đã giúp các cổ phiếu trong ngành ghi nhận mức tăng giá đồng pha so với VN-Index.
Hiện nay, cổ phiếu xi măng của các nước xuất khẩu xi măng đang được giao dịch ở mức P/E, P/B và EV/EBITDA lần lượt là 12,8x, 1,3x và 6,4x.
Thị trường xi măng Việt Nam được định giá ở mức P/E, P/B và EV/EBITDA lần lượt đạt 8,4x, 1,1x và 4,8x, thấp hơn 15-34% so với định giá chung của các nước.
Điều này xuất phát từ tình trạng dư cung trong quá khứ. Theo nhận định của Mirae Asset, trong 2021, cổ phiếu ngành xi măng Việt Nam sẽ được tái định giá với mức P/E và EV/EBITDA là 10,3 lần và 5,7 lần, thấp hơn 10% so với mặt bằng các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, Mirae Asset cũng lưu ý rủi ro với cổ phiếu ngành này là biến động về giá điện, giá than. Chi phí giá than và giá điện chiếm từ 40 - 45% giá thành sản xuất clinker, trong khi giá clinker chiếm hơn 60% chi phí nguyên liệu đầu vào của xi măng, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo giá điện và giá than.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường ở trong nước và trên thế giới, có thể khiến quá trình phục hồi của ngành vật liệu xây dựng kéo dài hơn dự kiến.
Thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam hiện đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong giai đoạn 2017 - 2019, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam.
Đỉnh điểm trong 10 tháng năm 2020, Trung Quốc đã chiếm hơn 50% tổng sản lượng nhập khẩu xi măng và clinker của Việt Nam. Nếu Trung Quốc ngưng các chính sách kích cầu cơ sở hạ tầng, sản lượng xuất khẩu sẽ giảm khoảng 25 - 30% trong ngắn hạn và trung hạn.
Những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp ngành xi măng đã phản ánh qua việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Xi măng La Hiên. Theo đó, Công ty đặt mục tiêu doanh thu giảm 8,5%, xuống còn 653 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 39,5 tỷ đồng, giảm 31,2% so với 2020.
Trong khi đó, tại Xi măng Hà Tiên 1, mục tiêu doanh thu năm nay là 8.079 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 815 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với kết quả thực hiện năm 2020.
Công ty cũng cho biết, tỷ suất lợi nhuận ngành xi măng có thể bị giảm, do chi phí nhiên liệu tăng và công suất toàn ngành dự kiến giảm khoảng 6% trong năm nay, đồng thời kênh xuất khẩu sẽ khó tăng trưởng như năm 2020.