Tăng thêm phòng vẫn bị áp lực
Cơ sở xã hội Nhị Xuân (thuộc Lực lượng TNXP TPHCM) có năng lực quản lý 1.500 học viên và thường quản lý khoảng 1.200 người. Tuy nhiên, đến nay, số lượng người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định mà các quận huyện của TPHCM gửi vào lên gần 1.800 người. Theo ông Trương Văn Hậu, Giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân, số lượng người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định tăng mạnh trong hơn 1 tháng vừa qua và dự kiến tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, trong lúc cao điểm phòng chống dịch Covid-19, học viên vào cơ sở đều được cách ly 14 ngày, buộc sơ sở phải bố trí khu vực cách ly, dẫn đến gặp khó khăn trong bố trí, sắp xếp quản lý.
Hiện nay, Cơ sở xã hội Nhị Xuân đang cải tạo, gia cố thêm cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận thêm người nghiện ma túy khi các quận huyện tiếp tục gửi tới. Cơ sở cũng thông báo ngưng tiếp nhận cai nghiện tự nguyện, để dành chỗ tiếp nhận người nghiện không nơi cư trú ổn định. Đồng thời, động viên cán bộ, nhân viên cơ sở tập trung tinh thần, ưu tiên làm tốt công việc; phối hợp với công an địa phương xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự.
Tương tự, Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM) có khả năng tiếp nhận khoảng 1.200 người nghiện ma túy. Hiện số lượng học viên ở cơ sở này là 1.412 người. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2, cho biết, ngày nào cơ sở cũng tiếp nhận người từ các quận huyện gửi đến. Cơ sở cũng dành riêng 28 phòng để cách ly 14 ngày, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. “Có lúc còn không đủ, cơ sở phải tăng cường thêm 10 phòng khác nữa mới đủ chỗ. Cơ sở có cải tạo, mở rộng phòng ốc, song với số lượng học viên gia tăng như hiện nay, cơ sở cũng đang bị áp lực”, ông Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.
Người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa
Trong bối cảnh người nghiện ma túy gia tăng, việc giảm áp lực cho các cơ sở xã hội không phải dễ thực hiện được một sớm một chiều. Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, 10 năm qua, số lượng người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn TPHCM tăng 146%, từ 10.500 người lên tới gần 25.900 người. Cơ quan chức năng thống kê cho thấy, số lượng người nghiện tăng mạnh hàng năm. Tuy nhiên, con số này có thể chưa bao quát được hết và khả năng người nghiện chưa được thống kê còn lớn. Ước lượng, số người nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM có thể vào khoảng 70.000 - 80.000 người.
Đề cập về tình hình sử dụng ma túy hiện nay, tại hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị (về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy) do Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TPHCM, nhận xét, người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa. Họ sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp tại những nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như bar, vũ trường, karaoke, các loại hình nhà nghỉ. Tệ nạn ma túy tại TPHCM vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2020, Công an TPHCM phát hiện, thu giữ gần 600kg heroin, gần 2,8 tấn ma túy tổng hợp. Trong đó, riêng năm 2019, thu hơn 339kg heroin, hơn 1,4 tấn ma túy tổng hợp. Như vậy, số ma túy của 1 năm chiếm nửa số ma túy thu giữ trong 10 năm.
Từ các số liệu thống kê vừa nêu, nhất là qua các vụ án khám phá gần đây cho thấy, TPHCM vừa là nơi mà các đối tượng lợi dụng để trung chuyển ma túy, vừa là nơi tiêu thụ với số lượng người nghiện, người sử dụng ma túy ngày càng tăng. Vì vậy, Công an TPHCM xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, đấu tranh, trong đó có việc nâng cao trách nhiệm trong xử lý người nghiện ma túy, tái nghiện ma túy và quản lý, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện.
Trong khi đó, trước áp lực đang gia tăng, Giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân Trương Văn Hậu và Giám đốc Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2 Nguyễn Trung Hiếu đều mong muốn các quận huyện, phường xã sớm hoàn tất hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ làm hồ sơ để đưa sang tòa án xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, qua đó giảm áp lực cho cơ sở xã hội.