Việc xác định tỷ lệ chia cổ tức thấp hay cao? Liệu có thỏa mãn được cổ đông hay không là việc không hề đơn giản khi xuất phát điểm, mục đích tìm kiếm thu nhập giữa các nhóm cổ đông rất khác nhau.
Có thể nói, nhóm những cổ đông sáng lập của những doanh nghiệp lớn, đầu ngành như ACB, Vinamilk, PNJ là những người hưởng cổ tức khủng nhất. Những doanh nghiệp này thường chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% mỗi năm, thậm chí hơn.
Tỷ lệ 20% thực tế không phải là quá cao, nhưng so với giá vốn những cổ đông sáng lập mua vào ban đầu lại rất lớn. Theo tính toán của tôi, tại nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên TTCK khoảng 5-6 năm trở lại đây, hoạt động tương đối hiệu quả, giá vốn trung bình cho mỗi cổ phiếu (CP) mà họ mua vào tính đến lúc này chỉ còn 2.000-3.000 đồng.
Giá vốn 2.000-3.000 đồng/CP nhưng lại được hưởng lượng cổ tức dù thấp nhưng sẽ cho ra lợi tức cực lớn. Họ mua vào với giá 10.000 đồng/CP, nhưng sau vài lần chia tách, giá vốn sẽ giảm đáng kể.
Chẳng hạn như CP của một doanh nghiệp sản xuất vàng bạc đá quý, cách đây 5 năm bán ra với giá 10.000 đồng/CP, sau 2 lần chia tách với tỷ lệ 1:1 giá vốn sẽ giảm xuống chỉ còn 2.500 đồng/CP. Hoặc như REE, nếu những ai mua CP này vào những ngày đầu tiên lên sàn và giữ cho đến nay, giá vốn hiện đã xuống thấp hơn 10.000 đồng/CP rất nhiều, trong khi giá của REE hiện nay đang ở mức trên 10.000 đồng/CP.
Nói như vậy để thấy rằng, tỷ lệ cổ tức trên mệnh giá, thị giá của CP có thể không cao, nhưng nếu so với giá gốc của những cổ đông sáng lập lại cực kỳ lớn. Nhưng suy cho cùng, khi những người này đã tâm huyết với doanh nghiệp suốt cả một chặng đường thì cổ tức họ được nhận là xứng đáng.
Đối với nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, khi thị trường tăng, họ không quan tâm đến cổ tức. Cổ tức chỉ trở thành cứu cánh với cổ đông nhỏ khi thị trường xuống, nhưng trong nhiều trường hợp cũng là “bất đắc dĩ” bởi lẽ họ bị “kẹp hàng” nên mới cần một khoản thu nhập để bù đắp.
Ở đây không thể đòi hỏi NĐT cá nhân có thể mua CP chỉ để hưởng cổ tức vốn dĩ không quá cao. Vốn không lớn nên kỳ vọng của nhóm NĐT này là tài sản phải tăng gấp 2, 3 lần. 1% trên 50 tỷ đồng đương nhiên lớn hơn 20-30% của 500 triệu đồng.
Nhưng càng ngày càng khó chọn được những CP có thể đem lại chênh lệch 20-30% từ mua bán. Ngay cả cổ đông nhỏ lẻ muốn tìm kiếm một doanh nghiệp có chính sách cổ tức ổn định cũng không dễ dàng.
Hiện tại, nếu chịu khó thống kê có thể xác định được một số công ty niêm yết trên sàn chia cổ tức rất đều đặn. Những công ty này lại không “nói” mà chỉ “làm”, điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu có một sự thay đổi nào đó cũng đỡ gây sốc.
Nhưng ngược lại, cổ đông nhỏ lẻ, vốn không nhiều, nếu tập trung vào một doanh nghiệp lại có biến động không như kỳ vọng có thể chịu những tổn thất không nhỏ. Hiện tại, một chiến thuật được một số NĐT cá nhân áp dụng là chờ đợi thời điểm doanh nghiệp sắp chia cổ tức để mua vào CP.
Chiến thuật này gồm 2 ứng dụng. Thứ nhất, NĐT dựa vào việc CP đã có giá quá thấp, sau khi chia cổ tức giá CP điều chỉnh giảm kỹ thuật nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, có thể tăng trở lại và NĐT lúc này lãi phần cổ tức, có thể gia tăng thời gian nắm giữ.
Cách thứ hai, ước lượng một số cổ tức được hưởng trên giá CP để khi doanh nghiệp có dấu hiệu chốt ngày chia cổ tức có thể mua trước để hưởng cổ tức.
Về mặt ngắn hạn, khó có thể kỳ vọng một sự thay đổi nào đó đối với các doanh nghiệp trong tư duy cũng như cách ứng xử đối với cổ đông về cổ tức. Đặc biệt, sau một năm 2011 đầy khó khăn, xu hướng những nguồn thu nhập lớn nhưng ảo có thể xuất hiện.
Lấy thí dụ: EPS của một CP ghi trên sổ sách là 3.000 đồng/CP và nhiều người cũng có thể ngầm hiểu là khả năng CP này có thể chia cổ tức bằng tiền mặt 2.000 đồng/CP. Nhưng thực tế, phần lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ là lợi nhuận ghi trước, bởi tiền còn chưa thu về thì việc doanh nghiệp chia cổ tức 1.000 đồng/CP cũng chưa chắc xảy ra.
Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp lại chuyển sang bài chia cổ tức bằng CP và cổ đông lại thất vọng. Năm nay, theo quan điểm của tôi, một chiến thuật “ngược” trong việc chia cổ tức có thể được áp dụng. Đó là việc doanh nghiệp nếu thấy thị trường thuận lợi, trong khi thị giá vẫn ở mức cao, chẳng hạn 3.0-4.0, rõ ràng CP mình bị “thất thế” phần nào khi thị trường hiện nay CP chỉ ở mức 1.0-2.0.
Như vậy, một động thái chia tách để hạ giá CP xuống mức trên dưới 2.0 sẽ giúp cho giá CP sớm về đáy và tạo động lực cho giá CP cũng như thanh khoản tăng trở lại.