Triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp quan trọng là cần chăm lo sự phát triển, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Khách tham quan, mua sắm tại Đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tôn trọng sự khác biệt
Bất cứ nền văn học nghệ thuật nào cũng đặt mục tiêu và mơ ước sở hữu những tác phẩm có sức sống lâu bền cũng như những tên tuổi lớn làm nên vinh quang cho nền văn hóa dân tộc. Song để có những tác phẩm đỉnh cao như vậy cũng phải bắt đầu đi từ nền tảng có nhiều tác phẩm tốt, tác phẩm hay, có môi trường sáng tạo để nghệ sĩ có thể thăng hoa.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tháng 11-2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh nhiệm vụ lan tỏa tinh thần, đề cao giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân. Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải góp phần khơi dậy khát vọng toàn dân tộc trong phát triển, chống tụt hậu, tiếp tục tạo ra những xung lực mới, phát huy toàn bộ sáng tạo, sức mạnh toàn dân để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Trong kỷ nguyên mới của khoa học - công nghệ, hội nhập sâu rộng, chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, giữ gìn bản sắc nhưng cũng cần mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh những biểu hiện văn hóa không phù hợp. Phải tạo ra một xã hội, môi trường cổ vũ, tôn vinh và phát huy được cái mới, tôn trọng các ý kiến khác thậm chí khác biệt nhưng không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước.
Dưới góc nhìn khoa học, PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho hay, ở các nước phát triển, kinh tế thị trường điều tiết hầu hết các lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Các sản phẩm văn học nghệ thuật được xem là một sản phẩm hàng hóa, như vậy nó phải được điều tiết và định hướng bởi quy luật của nền kinh tế thị trường như phải có giá trị sử dụng, có khả năng mang lại lợi nhuận, chịu tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, giá cả. Có những sản phẩm dành cho số đông công chúng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của quảng đại khán giả và cũng có những sản phẩm dành cho khán giả kỹ tính, khắt khe. Tựu trung, nhu cầu xã hội không chỉ điều chỉnh sản phẩm văn hóa và dịch vụ mà còn điều chỉnh chính sách quản lý văn hóa theo hướng tôn trọng quyền được sáng tạo văn hóa, quyền được thụ hưởng văn hóa và quyền được tôn trọng khác biệt về văn hóa.
Con người là nhân tố tiên quyết
Nhận định về thực trạng của văn học nghệ thuật thời điểm hiện nay, PGS-TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, thẳng thắn: “Mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Phải nói ngay rằng, yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và năng khiếu”. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cũng chỉ ra nguyên nhân đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dạn vốn sống, giỏi nghề vẫn hết sức thiếu vắng và đang bị đứt gãy về sự kế thừa. Bà nói: “Có thể thấy sân khấu hiện nay đang bị khủng hoảng về đội ngũ những người làm nghề ở mọi thành phần từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn cho đến nhà quản lý nghệ thuật có năng lực. Trong khi đó, nhà nước lại chưa xây dựng được lộ trình bồi dưỡng nhân tài nghệ thuật, chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ: “Nếu không có đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật để làm ra những tác phẩm có giá trị cao thì những vẻ đẹp văn hóa truyền thống không được bảo tồn, không được đời sống hóa một cách sống động nhất và tất nhiên không thể lan truyền những giá trị văn hóa”. Theo ông, người không có tài, không có tấm lòng, không có trí tuệ, không giày vò trong sáng tác của mình thì dù có đầu tư hàng triệu USD cũng không thể mang lại được điều gì tốt đẹp, hay ho trong trang viết của mình. Vẫn có những nhà văn sẵn sàng sống một cuộc sống vô cùng bình dị để theo đuổi một tác phẩm lớn của họ, thậm chí dành cả cuộc đời cho văn chương dù số đó không nhiều. Việc không có được một tác phẩm hay, tác phẩm lớn thì vật chất hay điều kiện sống chỉ là lý do thứ yếu. Song ông cũng không ngần ngại chỉ ra rằng nhà văn sống được bằng nghề rất ít, họ thường làm thêm những việc khác ngoài văn chương. Rất ít nhà văn sống được bằng tác phẩm của mình.
Bởi vậy, chỉ khi tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật mới là một trong những yếu tố sống còn của nền văn hóa nghệ thuật quốc gia.