Cơn trầm lắng kéo dài của thị trường BĐS không chỉ “quét” qua các dự án và doanh nghiệp thuộc phân khúc thương mại, mà còn khiến loại hình nhà ở cho người thu nhập thấp lao đao. Khủng hoảng về vốn, không có tiền để trả tiền nhà khiến nhiều doanh nghiệp không thể đẩy nhanh dự án, còn người dân đồng loạt xin dãn, hoãn, thậm chí chấp nhận chịu phạt để trả nhà.
Điều này khiến cho thời gian qua nhà cho người thu nhập thấp chững lại, bán rất chậm, hàng loạt doanh nghiệp phải tìm cách hoãn hoặc dãn tiến độ đóng tiền cho người dân.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc là rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Đây là một điều hết sức vô lý bởi bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp là hình thái sản xuất ra sản phẩm rất cụ thể, sử dụng nhiều lao động, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị xã hội.
Vì thế thông tin NHNN đưa 4 nhóm bất động sản ra khỏi cái “gông” phi sản xuất được ví như trận mưa rào trên thị trường bất động sản đang khô hạn vì đói vốn.
Trong 4 nhóm thoát khỏi “nỗi ám ảnh” phi sản xuất có 2 nhóm trực tiếp chi phối đến phân khúc nhà cho người thu nhập thấp.
Cụ thể, những nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay sẽ được xem xét cho vay và các doanh nghiệp xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cũng sẽ được “nới”.
Đây cũng là tín hiệu vui đối với những người mua nhà cho người thu nhập thấp, giúp họ không phải trả lại nhà, giảm áp lực về tiền bạc.
Có hai lý do để tin tưởng vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Thứ nhất, người dân đã được vay vốn mua nhà trở lại.
Thứ hai, các doanh nghiệp có dự án đã hoàn thành 80-90% cách đây nhiều tháng sẽ có cơ hội để hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, thu hồi vốn để kinh doanh. Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng chính sách này có tác động tích cực đến thị trường nhưng sẽ không nhiều, không đến mức nhộn nhịp hay gây sốt trở lại.
Nói như GS. Đặng Hùng Võ: “Đây là động thái hợp lý của NHNN và sẽ không ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, nó mang lại những tín hiệu khả quan trên thị trường nhưng sẽ không có những tình huống đột biến, bởi chính sách này đều nhắm vào những nhóm bất động sản có khả năng chi trả ngay”.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại là đối với nhóm cuối cùng, các dự án hoàn thiện và bàn giao trước ngày 1-1-2012, việc làm rõ hơn thế nào là hoàn thiện, mức độ hoàn thiện đến đâu sẽ rất khó.
Bởi các bên có thể ký lại hợp đồng để ấn định thời điểm bàn giao nhà, đưa vào sử dụng một số hạng mục và hoàn thiện tổng thể sau. Việc giám sát các tiêu chí để phân loại trên thực tế sẽ ra sao, khi có hàng nghìn dự án trên cả nước cũng là một câu hỏi lớn.
Ngoài ra, khi 4 nhóm đã được nới, sẽ có nhiều doanh nghiệp “đi đêm”, hoặc ngân hàng lợi dụng cho vay tràn lan trở lại, gây tác động xấu đến thị trường.
Vấn đề đặt ra là để triển khai hiệu quả chủ trương trên của NHNN, phụ thuộc nhiều vào sự quản lý của cơ quan chức năng, năng lực thực thi và chính sách của từng ngân hàng.
Về vấn đề ngân hàng, dư luận cho rằng khi thời điểm rút tỷ trọng tín dụng phi sản xuất xuống 16% chỉ còn một tháng rưỡi nữa, sẽ không ngân hàng nào cho những dự án không khả thi vay để rồi ôm nợ xấu. Nếu đúng như vậy thì đây là tin vui cho người dân đang cần nhà ở và cho cả doanh nghiệp bất động sản.
4 nhóm được vay vốn - Nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay. - Xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN-KCX-KKT. - Xây dựng nhà ở cho công nhân KCN nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh ban hành, mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. - Xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012 theo nội dung hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản. |