Con gái bà Trương Mỹ Lan muốn bán nhà ở Hà Nội để khắc phục hậu quả

(ĐTTCO) - Ngày 12-3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư bào chữa cho các bị cáo. Các luật sư đã tập trung hỏi các bị cáo để làm rõ vai trò của bị cáo Trương Mỹ Lan trong việc tái cơ cấu SCB.

Con gái bà Trương Mỹ Lan muốn bán nhà ở Hà Nội để khắc phục hậu quả

Hợp thức hóa việc rút tiền của SCB

Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục khẳng định ban đầu bị cáo đã nhiều lần từ chối tham gia tái cơ cấu SCB vì không có hiểu biết về ngành ngân hàng. Nhưng được sự động viên của những người có trách nhiệm, bị cáo nhận thấy vai trò trách nhiệm của mình nên mới đồng ý tham gia tái cơ cấu SCB.

Theo yêu cầu thì bị cáo và bạn bè bị cáo phải chiếm 65% cổ phần, từ đó ổn định ngân hàng và kêu gọi cổ đông nước ngoài tham gia.

Bị cáo Lan khai đã đưa tài sản là khách sạn Windsor trị giá hơn 1 tỷ USD vào ngân hàng; phải vay mượn, dùng toàn bộ tài sản gia đình để thực hiện tái cơ cấu. Bị cáo tin mình có thể giúp SCB vì tin vào tư duy trong lĩnh vực bất động sản của mình.

Về việc Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào trong quá trình tái cơ cấu SCB, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) cho biết, khi hợp nhất thì SCB đã ở dưới mức tiêu chuẩn nên nếu không có nguồn lực thật sự mạnh thì sẽ không làm được.

Bị cáo Văn cho rằng, Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào SCB để hoán chuyển khoản vay trước đây không có tài sản đảm bảo trở thành những khoản vay mới có tài sản đảm bảo.

Tương tự, bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn (cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB) cũng khai, tái cơ cấu các khoản nợ vay tại SCB thực chất là do tình hình nợ xấu tăng cao, tài sản thế chấp giá trị thấp, pháp lý lỏng lẻo nên chủ trương chính là đưa các tài sản có giá trị pháp lý bảo đảm, gia hạn các khoản nợ. Bị cáo biết Trương Mỹ Lan có cổ đông lớn nhưng không biết tỷ lệ cổ phần chính xác là bao nhiêu.

Còn bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB, thừa nhận bản thân có biết việc bị cáo Lan đưa tài sản vào ngân hàng. Trong đó, giai đoạn bắt đầu từ năm 2012, bà Lan có đưa một số tài sản như: Tòa nhà Saigon Times Square, Chợ Vải, khách sạn Windsor vào tái cơ cấu để làm phương án vay mới và là nguồn tiền để trả nợ cho các khoản vay cũ. Còn giai đoạn từ năm 2021 đến nay, bị cáo không thấy Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào để tái cơ cấu SCB.

Tuy nhiên, khác với nhận định của các bị cáo về việc đưa tài sản vào ngân hàng để tái cơ cấu SCB, cáo trạng xác định: việc Trương Mỹ Lan và đồng phạm đưa tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại SCB thực chất là phương thức, thủ đoạn phạm tội, hợp thức hóa việc rút tiền của SCB.

Muốn khắc phục hậu quả

Cũng vì lý do giúp tái cơ cấu SCB, bị cáo Chu Lập Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square, thừa nhận mình đã ký 2 văn bản cho phép bà Trương Mỹ Lan sử dụng tài sản của Công ty Times Square. Bị cáo nói mình làm theo đề nghị của bà Lan với suy nghĩ giúp ngân hàng và hoàn toàn không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản hay khoản vay tại SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (thứ 2 từ trái sang) tại tòa ngày 12-3. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo cáo trạng, bị cáo Chu Lập Cơ đã ký 2 biên bản để thế chấp tài sản của Công ty Times Square (số 22-36 đường Nguyễn Huệ, quận 1 và các quyền tài sản có liên quan) bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay. Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập các hồ sơ vay vốn “khống”; nhờ người đứng tên các khoản vay và ký “khống” hồ sơ, thủ tục vay vốn.

Tới năm 2017, khi các khoản vay đến hạn, Trương Mỹ Lan tiếp tục thuyết phục Chu Lập Cơ ký Biên bản họp HĐQT ngày 15-8-2017 của Công ty Times Square để thế chấp tài sản của Công ty Times Square nhằm gia hạn nợ. Hành vi phạm tội của bị cáo Chu Lập Cơ đã gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.116 tỷ đồng.

Trả lời luật sư, bị cáo Chu Lập Cơ thừa nhận việc ký các văn bản là sai, mong được tạo điều kiện cho bị cáo khắc phục hậu quả. Tương tự, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định bị cáo không gây thiệt hại cho SCB nhưng sẵn sàng dùng tài sản của mình (theo luật sư Trần Minh Hải, người hỏi bị cáo Lan thì bị cáo có 649 mã tài sản mà Công ty Hoàng Quân chưa định giá - PV) để giúp SCB; đồng thời đề nghị các tài sản của bị cáo phải định giá đúng giá thị trường.

Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã hỏi thân chủ Trương Mỹ Lan về việc “con gái của bị cáo đã có yêu cầu thay mặt bị cáo để gặp gỡ và thu hồi nợ đối với những người bên ngoài đang nợ bị cáo”.

Bị cáo Lan thông tin, con gái của bị cáo đã thỏa thuận bán tòa nhà ở Hà Nội để khắc phục hậu quả cho bị cáo trong vụ án.

Khi được hỏi về số cổ phần của bị cáo Lan và bạn bè tại SCB, bị cáo Lan trình bày sẽ ủy quyền số cổ phần của bị cáo, đồng thời có thể trao đổi với bạn bè của bị cáo để ủy quyền toàn bộ số cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bị cáo.

Các tin khác