Thủ phủ cọn nước xứ Mường
Chúng tôi bắt đầu hành trình lên vùng cao huyện Thanh Sơn, Phú Thọ từ lời giới thiệu của mấy anh bạn người Mường quen ở Hà Nội: “Nếu muốn đi tìm cọn nước hãy đến một số bản của xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Không ở đâu nhiều cọn nước và đẹp như nơi ấy”.
Xã Khả Cửu nằm giữa 2 khu vườn quốc gia Ba Vì và Xuân Sơn, quanh năm mây vờn núi biếc. Những bản làng của xã nằm lọt dưới lòng thung lũng, tứ phía núi cao thăm thẳm khiến nơi đây mang vẻ đẹp thuần khiết của miền sơn cước.
Cung đường dẫn chúng tôi vào bản Hắm, bản Chuôi, xã Khả Cửu không thể ấn tượng hơn. Một chiếc cầu bắc qua suối Dân làm từ tre, gỗ với những trụ cầu được cuốn, đan từ phên cây nứa vô cùng ấn tượng. Giữa khung cảnh bình yên của bản làng, những người phụ nữ Mường vẫn ngày ngày mang quần áo ra suối giặt, bên cạnh bọn trẻ hồn nhiên vui chơi trên chiếc cầu tre.
Chị Hà Thị Sen đang giặt bên suối ngẩng đầu lên tiếp chuyện: “Các chú muốn đi xem cọn nước à, khu suối bản Hắm này tập trung nhiều nhất rồi đấy. Người Mường đã định cư ở vùng sơn cước này hàng trăm năm trước, đã tạo ra rất nhiều cọn nước nơi đây”.
Nhờ lực đẩy của dòng nước chảy, các cọn nước cứ chầm chậm quay từng vòng bên suối. Những chiếc cọn nước hình tròn đủ các kích thước to nhỏ khác nhau, chiếc nhỏ đường kính 3-4m, chiếc lớn lên đến 6m.
Theo vòng quay đều đều, nhịp nhàng, từng chiếc lan guồng của cọn sẽ đưa nước ở suối lên cao rồi đổ vào máng gỗ. Từ đây nước sẽ chảy vào những chiếc ống bương hoặc ống nhựa gắn sẵn để chảy về nhà hoặc ra đồng ruộng. Những nhà, ruộng ở địa hình cao hoặc xa suối sẽ cần làm cọn to, còn nếu ở gần và dưới thấp chỉ làm nhỏ.
Cọn nước và trang phục truyền thống phụ nữ Mường tôn lên vẻ đẹp vùng cao.
Ông Đinh Văn Tuyên, người cao tuổi trong cộng đồng Mường ở bản Chuôi, cho biết: “Từ thời xa xưa ông cha chúng tôi đã làm cọn để dẫn nước từ suối ra ruộng để canh tác lúa nước, hoặc đưa về nhà dùng sinh hoạt, ăn uống. Có những lúc cao điểm, các bản tại đây lên đến gần 200 cọn nước. Qua năm tháng hiện nay số cọn còn lại hơn 100 chiếc”.
Theo ông Tuyên, các cọn nước ở đây hoàn toàn làm thủ công bằng sức người, với những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương. Trục quay là trái tim của cọn nước nên được lựa kỹ những cây gỗ thẳng, nhẹ và khả năng chịu nước cao.
Còn nan cọn phải chọn loại nứa có thân thẳng, đủ tuổi. Nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc bằng cách đục lỗ trên thân trục tương ứng với số nan sao cho vừa khít.
Sau đó cố định bằng những sợi dây mây rừng dẻo dai. Xung quanh vành khung cọn, người ta đặt các cánh quạt đan từ phên nứa để cản nước, tạo lực đẩy cho guồng quay. Do làm bằng tre, nứa, gỗ… nên tuổi thọ của cọn nước chỉ khoảng 2-3 năm.
Để nâng cao tuổi thọ của cọn nước, hiện nay một số hộ đã đổ đá, gắn bê tông dưới chân trục nhằm giúp bền chặt hơn. Suối chính hay các lạch nước nhỏ đều được người Mường tận dụng để đặt cọn dẫn nước về ruộng, về nhà.
Bảo tồn thu hút du khách
Đến nay dù nhiều bản làng đã được lắp đặt đường dẫn nước sạch về, nhưng nhiều bà con đồng bào Mường, Thái, Tày, Nùng ở vùng cao vẫn giữ tập quán sử dụng cọn nước. Nó vừa là sản phẩm sáng tạo lâu đời từ thế hệ trước của ông cha, vừa như điểm tô cảnh vật cái hồn làm bức tranh miền sơn cước thêm đẹp.
Những năm gần đây, Trung tâm Xúc tiến du lịch Phú Thọ đã về xã Khả Cửu khảo sát, vận động bà con giữ lại những chiếc cọn nước, nhằm tạo ra các bản du lịch cộng đồng.
Ngành du lịch tỉnh đã cấp kinh phí cho các hộ dân ở bản Hắm, bản Chuôi tu sửa, làm mới cọn nước. Hiện nay 2 bản đã trở thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu không chỉ xã Khả Cửu, mà còn cả huyện Thanh Sơn.
Dạo chơi bên suối, ngắm cọn nước rồi lên những ngôi nhà sàn bằng gỗ lâu đời để dùng bữa cơm trưa với các sản vật bản địa như gà đồi, cá suối… tạo cho chúng tôi và nhiều du khách khác ấn tượng khó quên.
Một số điểm nhà sàn homestay ở đây còn có thể nhìn ra suối với những chiếc cọn nước rất đẹp. Một số bạn trẻ thích đi phượt lựa chọn nơi này đến tham quan, thuê trang phục dân tộc chụp ảnh.
Chị Đinh Thị Hà, cán bộ Ban văn hóa Khả Cửu, cho biết xã luôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con người Mường giữ lại bản sắc từ những chiếc cọn nước, cách làm cọn mới. Đặc biệt khoảng 2-3 năm nay khi có khách du lịch tới tham quan, người dân được hướng dẫn giữ vệ sinh cảnh quan ở khu vực cọn nước bên suối. Đồng thời dân Mường cũng chính là những hướng dẫn viên tại chỗ chỉ dẫn du khách đi thăm suối, nói cho họ hiểu về cọn nước.
Ngoài thủ phủ cọn nước ở xã Khả Cửu, chúng tôi được giới thiệu tới nhiều vùng đất khác hiện vẫn lưu lại hệ thống thủy nông dân gian này, như bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Du khách đặt chân đến Khu bảo tồn thiên thiên Pù Luông thường ghé thăm bản Hiêu để tắm thác, ngắm những chiếc cọn nước cùng vẻ đẹp cuộc sống bình dị nơi đây khi chiều buông.
Hay khi lên suối Nậm Mu ở bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, du khách sẽ có dịp lạc vào dãy cọn nước nối tiếp nhau dài dằng dặc. Đặc biệt, nếu may mắn du khách sẽ bắt gặp những thiếu nữ người Thái mặc bộ váy sặc sỡ, đầu đội khăn Piêu, duyên dáng đi trên cầu tre bên suối vô cùng nên thơ.
Một số điểm tham quan cọn nước khác như xã Na Hang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang hay tới dòng Quây Sơn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, du khách sẽ được ngắm những chiếc cọn nước bên sông ấn tượng do người Tày, Nùng bản địa làm ra.