Con tằm phải nhả tơ

Tràn đầy nhiệt huyết với những dự án mới là điều người ta dễ dàng cảm nhận khi tiếp xúc với cựu Chủ tịch Sacombank, ông Đặng Văn Thành (ảnh). Hiện nay ông đang say sưa với mía đường và du lịch, 2 trong 3 mũi nhọn chính của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), nơi ông đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Tràn đầy nhiệt huyết với những dự án mới là điều người ta dễ dàng cảm nhận khi tiếp xúc với cựu Chủ tịch Sacombank, ông Đặng Văn Thành (ảnh). Hiện nay ông đang say sưa với mía đường và du lịch, 2 trong 3 mũi nhọn chính của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), nơi ông đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ những kế hoạch của Thành Thành Công cho 3 mũi nhọn chính của tập đoàn?

-Ông ĐẶNG VĂN THÀNH: - Chiến lược kinh doanh của TTC từ nay cho đến năm 2020 hướng theo 3 mũi nhọn là năng lượng, du lịch và mía đường. Về năng lượng, hiện chúng tôi đang đầu tư vào CTCP Thủy điện Gia Lai với tổng công suất hiện tại 90MW và đang trong quá trình tiếp tục đầu tư hướng tới mục tiêu năm 2018 nâng tổng công suất lên 200MW.

Về du lịch, TTC đang đầu tư chuỗi khách sạn, resort 2-4 sao và thời gian tới sẽ nâng cấp lên 3-4 sao. Cụ thể TTC Group đang đầu tư khách sạn 4 sao Mechilia Nha Trang (200 phòng). Tại resort Dốc Lết, ngoài việc nâng cấp lên thành 200 phòng, chúng tôi đang tạo điểm nhấn cho khu vực này bằng việc trồng 5ha phượng vĩ, đây sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch châu Âu, đặc biệt là khách Nga.

Chúng tôi có khu nghỉ dưỡng 4 sao Pegasus Resort ở Phan Thiết (Bình Thuận), tại đây cũng trồng 3ha phượng vĩ. Ngoài ra TTC còn có chuỗi khách sạn Ngọc Lan (Đà Lạt). Mới đây chúng tôi đã hoàn thành thương vụ M&A với CTCP Du lịch Golf Việt Nam (VNG). VNG đang quản lý chuỗi khách sạn Golf 2-4 sao (thành viên của Vinagolf) tại Đà Lạt, Cần Thơ, Hội An và khách sạn Golf Angkor tại Siêm Riệp, Campuchia…

Mũi nhọn thứ 3 là tái cấu trúc mía đường. Đây là ngành nghề truyền thống của gia đình suốt 35 năm qua. Đầu tiên chúng tôi tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Theo đó, TTC Group thành lập Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng do GS. Võ Tòng Xuân phụ trách, cùng những chuyên gia tâm huyết của Philippines, Ấn Độ được chúng tôi mời hợp tác.

Song song đó, chúng tôi hướng dẫn nông dân trồng theo luống, tưới và bón phân; hợp tác với John Deere chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để cơ giới hóa từng phần; hướng dẫn nông dân từ việc đốn mía phải đốn từ gốc đến việc vận chuyển về nhà máy…

Tại một số vùng chúng tôi cam kết lợi nhuận cho nông dân. Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật những công nghệ tiên tiến và hiện đại trong sản xuất để có thể tận dụng tối đa cây mía trong chế biến sản phẩm cạnh đường và sau đường. Về khâu tiêu thụ, ngoài việc tiêu thụ trong nước với những sản phẩm đường lon, que, túi… hiện chúng tôi đã xuất khẩu sang Singapore.

Ngoài ra TTC đang vận hành nhà máy sản xuất các sản phẩm từ dừa, đồng thời đang thi công nhà máy sản xuất nước dừa đóng lon với vốn đầu tư 300 tỷ đồng tại Bến Tre. Cuối năm nay nhà máy này sẽ chính thức đi vào hoạt động, sản phẩm được công ty của Hoa Kỳ và Indonesia bao tiêu.

- Nói riêng về ngành mía đường, nhiều DN kêu lỗ và nông dân kêu khó? Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

- Thời gian qua nhiều DN than vãn để có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Nhưng quan niệm của tôi khác, tự mình phải đề kháng lấy mình, từ vùng nguyên liệu, khâu quản trị điều hành nhà máy đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Mình phải tự cứu mình trước, Nhà nước chỉ là hỗ trợ. Cách đây 2 năm, khi quay lại ngành mía đường, công việc đầu tiên của tôi là tổ chức những cuộc họp phân tích kỹ làm sao để giảm giá thành, bởi không giảm giá thành không thể chống buôn lậu được.

Trong nhiều chuyến công tác, khi làm việc với nông dân tôi cũng chỉ bàn về chống buôn lậu. Họ tỏ ra rất ngạc nhiên, nông dân làm sao chống buôn lậu. Tôi nói từ việc làm sao tăng năng suất, giảm giá thành, về tới nhà máy sản xuất đúng không lãng phí… cộng với trợ lực của Nhà nước, nông dân sẽ chống buôn lậu được.

- Được biết ông đang có dự án nuôi bò Kobe. Vậy khi nào bò thương phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường?

- Tôi và anh Tuấn (Tổng giám đốc Kềm Nghĩa) cùng vài người bạn đầu tư trang trại nuôi bò Kobe được hơn 4 năm nay. Dự kiến đầu năm 2016 những kg thịt bò Kobe đầu tiên sẽ ra thị trường. Theo tính toán của chúng tôi, 1kg bò Kobe có giá khoảng 100USD nhưng có lẽ cung sẽ không đủ cầu, vì bước đầu 1 ngày chúng tôi chỉ chế biến được khoảng 400-500kg thịt.

Việc nuôi bò Kobe rất khó, đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe nên việc có những chú bò Kobe “made in Vietnam” cũng là một vinh dự và là điều mà tôi đã ấp ủ từ rất lâu. Sau khi thành công chúng tôi dự tính xuất đi Campuchia, Trung Quốc, Lào…

- TTC đi theo hướng là tập đoàn đa ngành. Với vai trò thuyền trưởng ông có cảm thấy bị quá tải?

- Tôi nghĩ là không, quan trọng là mình biết sắp xếp công việc một cách khoa học, tôi luôn hạn chế tối đa làm việc ngoài giờ. Nhân viên của tôi khi được giao trách nhiệm phải hoàn thành, tôi không làm thay. Đã là con tằm phải nhả tơ, với doanh nhân cạnh tranh là lẽ bình thường thậm chí thú vị. Tôi nghiệm ra có 3 điều không ai cho mình mà tự mình tạo dựng là sức khỏe, hạnh phúc và kiến thức. Tôi vẫn thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, gia đình luôn quây quần vào mỗi bữa trưa và các dịp cuối tuần. Gia đình chính là điểm tựa là nơi tái tạo năng lượng cho mỗi thành viên.

Thời gian qua đã có nhiều ý kiến nhận định rằng khi những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam đàm phán được ký kết và có hiệu lực, ngành nông nghiệp sẽ đứng trước nhiều thách thức hơn cơ hội. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ với Việt Nam nông nghiệp nông thôn chính là nền tảng.

Những DN tham gia các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông thôn ngay từ bây giờ phải hướng về nó với một cái nhìn đầy trách nhiệm để đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng với giá trị vốn có của nó. Có lẽ những DN làm nông thôn cũng nhìn rõ vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác