Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Nhà nước đã quy định, đất thương mại dịch vụ 50 năm và được cấp sổ theo thời gian đó. Còn địa phương nào muốn tận thu đưa đất thương mại dịch vụ sang đất ở cần phải xem xét lại.
“Chúng ta không nên đưa cái sai để hợp thức hoá cái sai”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ TN-MT giải thích: Nếu quy hoạch là đất ở thì nó là đất ở vì đã có tiêu chí quy hoạch rõ ràng, đương nhiên thực hiện theo các thủ tục về đất ở. Nếu là đất thương mại dịch vụ thì cũng có tiêu chí riêng. Mỗi loại đất đều có cơ chế quản lý riêng, luật pháp đã quy định và giao dịch mua các sản phẩm bất động sản kể trên dưới dạng hứa mua hứa bán, là hợp đồng dân sự về kinh tế kèm theo rủi ro và hệ lụy.
Loại hình condotel bị loại bỏ ra khỏi quy định Luật Đất đai sửa đổi lần này.
Trước đó, dù không có quy định trong Luật Đất đai nhưng nhiều địa phương vẫn cấp phép cho loại hình này.
Theo thống kê, trong cả nước đã có gần chục tỉnh thành như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ninh… cho phép sử dụng thuật ngữ “đất ở không hình thành đơn vị ở” để cấp sổ đỏ cho loại hình condotel và biệt thự nghỉ dưỡng.
Đơn cử như UBND tỉnh Khánh Hòa, trong giai đoạn 2016 – 2018, đã cấp “đất ở không hình thành đơn vị ở” cho hàng chục dự án. Vì không có quy định, nên hệ lụy là hàng loạt khách hàng mua căn hộ condotel tại dự án có loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở” không được cấp sổ đỏ, không đảm bảo quyền lợi như cam kết dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài.
Theo số liệu báo cáo tổng hợp của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện đang có khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel) chưa được cấp giấy chứng nhận theo các quy định pháp luật về đất đai.
Như vậy, đến nay, khung pháp lý cho condotel vẫn chưa rõ ràng sau nhiều năm loại hình này xuất hiện trên thị trường.