Người này cho rằng, với giá 250.000 đồng/phần bánh tráng trộn và 50.000 đồng/lần giao hàng là quá mắc, trong khi chất lượng sản phẩm không tương xứng.
Sau bài nhận xét này, chủ nhân của sản phẩm trên cũng đăng đàn chỉ trích khách hàng vì “dám chê” món ăn mình đã bỏ tâm huyết, vất vả làm ra. Bánh tráng trộn là món ăn vặt quen thuộc của giới trẻ, vì vậy mà trên mạng xã hội nổ ra nhiều tranh cãi, hầu hết tỏ ra bất bình với quan điểm của chủ nhân món ăn trên.
Lẽ thông thường, khi ai bỏ tiền ra mua sản phẩm nào đó thì nó thuộc sở hữu của người mua và họ có quyền đánh giá, nhận xét. Nhất là khi thương mại điện tử bùng nổ, hầu hết các mặt hàng đều có thể lên sàn để mua bán online thì việc nhận xét, đánh giá về sản phẩm của khách hàng công khai trên mạng xã hội cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, cũng có thể coi những đánh giá, nhận xét trên là kênh để người tiêu dùng phần nào định hình chất lượng sản phẩm mình định mua. Song thực tế, không chỉ người nổi tiếng nọ thích tô hồng cho sản phẩm của mình mà rất nhiều người kinh doanh online cũng đang chạy theo mốt khoe feedback (phản hồi về sản phẩm - PV) tốt để thu hút khách.
Họ còn chủ động ẩn hoặc xóa đi bất cứ dòng bình luận nào bất lợi, chỉ để lại những bình luận khen ngợi. Thậm chí, có những người còn chủ động gợi ý đổi quà để nhận lại feedback tốt về sản phẩm, hoặc cao tay hơn là bỏ tiền ra mua bình luận tốt từ cư dân mạng. Ở khía cạnh nào đó, những hành động trên là thiếu công bằng với khách hàng.
Thử nhìn lại những nhãn hàng nổi tiếng trong và ngoài nước sẽ thấy, mỗi khi cho ra dòng sản phẩm mới nào đó, người ta thường có sản phẩm dùng thử, tặng cho khách hàng để đổi lấy sự đánh giá, góp ý. Thậm chí còn phải mất thêm tiền để khách hàng trải nghiệm, hay nói cách khác, họ sẵn sàng mua sự góp ý thẳng thắn nhằm hoàn thiện sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm hữu dụng nhất với người dùng.
Khi đã là thị trường, có bán, có mua, có trải nghiệm sản phẩm thì phải có những đánh giá, nhận xét. Vẫn biết một sản phẩm tốt với người này nhưng chưa hẳn tốt với người kia, nhưng nếu là người kinh doanh có tâm có tầm thì phải biết tận dụng những đánh giá tốt về sản phẩm để phát huy và nhìn vào những đánh giá chưa tốt để điều chỉnh. Làm được như vậy, chắc chắn sản phẩm sẽ được đón nhận và phát triển bởi chính chất lượng của nó.