Trong giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của Top 500 doanh nghiệp (DN) tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đạt khoảng 28%. Xét theo khu vực kinh tế, giai đoạn này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện rõ vai trò tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế nước nhà, với mức CAGR trung bình lớn nhất, 30,1%. Số lượng DN thuộc khu vực này cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam với tỷ lệ 74,2%.
Với một khu vực kinh tế đang tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp 30% vào ngân sách Nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, tốc độ tăng trưởng ổn định và sự góp mặt ngày càng nhiều trong Bảng xếp hạng FAST500 trong những năm gần đây cũng là một minh chứng rõ ràng cho tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Xét trên khía cạnh ngành nghề, khoảng vài năm trở lại đây nền kinh tế Việt Nam bắt đầu ổn định và có tốc độ tăng trưởng GDP tốt, tạo tiền đề cho sự phát triển và vươn lên của những khối ngành dịch vụ và công nghệ, điển hình là các ngành như Thực phẩm – Đồ uống; Bán lẻ; Viễn thông – Công nghệ thông tin... Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020 tiếp tục ghi nhận sự có mặt của những ngành này trong cơ cấu ngành nghề có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao.
Đánh giá về những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng của DN trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2015-2019), dẫn đầu là yếu tố tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (52,1%), theo sau là phát triển các dòng sản phẩm mới (47,9%), mở rộng thị trường hiện có (45,8%), phát triển các phân khúc thị trường mới (35,4%) và sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh (25%).
Trong 3 năm liên tiếp, nhiều DN FAST500 đều cho rằng sự tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là nguyên nhân chủ yếu tạo đà cho tăng trưởng của DN, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và phát triển các dòng sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, Vietnam Report cũng đánh giá, các DN Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với 5 thách thức tăng trưởng trong thời gian tới. Đó là biến động thị trường do tác động của dịch bệnh Covid-19, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh, chi phí đầu vào tăng, các thủ tục hành chính phức tạp, lo lắng về những bất ổn trong môi trường kinh doanh.
Sự “đứt gãy” cả về cung và cầu sẽ bị kéo dài trên toàn cầu cho đến khi vắc-xin chống Covid-19 được sử dụng rộng rãi (dự báo nhanh nhất là đến giữa năm 2021), nhưng những hậu quả kinh tế sẽ tồn tại dai dẳng trong trung hạn và dài hạn.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn cầu có quy mô tương đương đại suy thoái năm 1930 là có thể xảy ra. Nền kinh tế và xã hội toàn cầu sẽ không bao giờ trở lại tình trạng “bình thường” như trước đại dịch nữa, với sự nổi lên của các quan điểm phát triển mới, các xu hướng mới và luật chơi kinh tế mới.
Từ những thách thức trên, các DN FAST500 nhận định cần tập trung vào 4 ưu tiên chiến lược để vượt qua thách thức tăng trưởng trong thời gian này, đó là nỗ lực tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trong các thị trường hiện tại (79,2%), cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng năng suất (66,7%), giới thiệu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới (41,7%) và cắt giảm chi phí (39,6%).
Riêng đối với vấn đề nhân lực, do ảnh hưởng nhiều từ tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều DN FAST500 đang lựa chọn giải pháp chiến lược tự động hóa một số chức năng nhất định trong doanh nghiệp và đào tạo chung cho lực lượng lao động về cách thức sử dụng dữ liệu nhằm tinh gọn bộ máy lao động thích ứng trong bối cảnh mới.
Về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khoảng 3 năm tiếp theo, Top 5 ngành được nhiều DN FAST500 đánh giá tiềm năng nhất là: Viễn thông – Công nghệ thông tin, Nông nghiệp sạch, Công nghệ sạch, Bán lẻ và Y tế – Dược phẩm. Điều này cũng thể hiện đúng theo xu hướng và định hướng phát triển hiện nay của các DN trong nước là hướng đến đẩy mạnh phát triển công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy nông nghiệp sạch – công nghệ sạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động hóa, giảm thiểu thời gian cũng như tiết kiệm chi phí trong quá trình giao nhận và tăng cường sự kết nối giữa các quốc gia…