Theo TS Phan Hữu Thắng, nhìn lại chặng đường các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 1/4 thế kỷ vừa qua, có thể nhận thấy sự cẩn trọng của một quốc gia đang phát triển; cố gắng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới nhưng vẫn còn e ngại về quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của mình.
Sự quá thận trọng trong việc điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách và những hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã giảm đi khát vọng “vươn ra biển lớn” của doanh nghiệp Việt để phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu, làm chậm quá trình phát triển và làm giảm hiệu quả của đầu tư ra nước ngoài.
Báo cáo có 4 chương phân tích, đánh giá đầu tư ra nước ngoài của các nước trên thế giới và thực trạng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và đầu tư tại Myanmar trên bình diện tổng thể và tại các nước, vùng lãnh thổ đến đầu tư; nêu lên kinh nghiệm và đánh giá kết quả của nhiều doanh nghiệp điển hình đại diện cho từng lĩnh vực ngành nghề, đại diện khu vực đến đầu tư; phân tích hệ thống luật pháp chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài và thông lệ đầu tư quốc tế.
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị về hoàn thiện luật pháp chính sách về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay, đưa ra các bài học kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư ở nước ngoài.
Mục đích của cuốn sách là nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ về định hướng và giải pháp thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nay đến năm 2030. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu toàn diện về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với góc nhìn từ một nước đang phát triển.
Đến hết năm 2022, số vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI) của Việt Nam đã đạt 21,7 tỷ USD, với 1.604 dự án còn hiệu lực. Tuy nhiên, dòng vốn OFDI của Việt Nam còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực, chưa tương xứng với quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế.