Danh mục cảng cạn Việt Nam hiện có 10 cảng, bao gồm cảng cạn: Hải Linh (Quảng Ninh); Km3+4 Móng Cái (Quảng Ninh); Tân Cảng Hải Phòng; Đình Vũ (Quảng Bình); Hoàng Thành (Hải Phòng); Long Biên (Hà Nội); Tân Cảng (Hà Nam); Phúc Lộc (Ninh Bình); Tân Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai); Tân Cảng Quế Võ (Bắc Ninh).
Như vậy, so với Danh mục cảng cạn Việt Nam công bố năm 2020, hệ thống cảng cạn Việt Nam được bổ sung thêm Tân Cảng Quế Võ. Đây là cảng nội địa nằm trên hạ lưu sông Đuống, giáp quốc lộ 18, nằm gần các khu công nghiệp thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ là cảng đích, trung tâm kiểm hóa tập trung, tập kết container (cả hàng và rỗng), điểm thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh thành lân cận. Hoạt động của cảng cạn Tân Cảng Quế Võ và các cảng sông khác sẽ gắn liền với hoạt động vận chuyển container bằng sà lan trên tuyến đường thủy nội địa sông Cấm - sông Kinh Thầy - sông Đuống.
Theo Bộ GTVT, mô hình cảng cạn được đánh giá là “cánh tay nối dài”, san sẻ áp lực, giúp cảng biển gia tăng tốc độ giải phóng hàng hóa. Các cảng cạn được xây dựng gắn với các hành lang vận tải chính, kết nối trực tiếp với cảng biển. Đặc biệt, cảng cạn phải có ít nhất 2 phương thức vận tải tạo điều kiện cho vận tải đa phương thức hoặc kết nối trực tiếp với một phương thức vận tải có năng lực cao.
Cảng cạn phải được thiết kế, quy hoạch tổng mặt bằng các phân khu đảm bảo các chức năng: nhận/gửi, đóng/dỡ hàng hóa; gom hàng hóa lẻ đối với hàng có nhiều chủ trong cùng một container; tập kết hàng hóa container và hàng hóa khác để vận chuyển đến cảng biển hoặc một nơi khác theo quy định; tạm chứa hàng hóa xuất nhập khẩu và container; kiểm tra và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…