Lễ công bố vinh danh những đại diện doanh nghiệp không chỉ thể hiện sự vượt trội về sức mạnh tài chính và truyền thông, mà còn thể hiện tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trên thị trường, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và phồn vinh của nền kinh tế nước nhà.
Theo đó, những doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận tốt nhất là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Hơn 2/3 số doanh nghiệp cho biết doanh thu đã quay trở lại hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát
Những doanh nghiệp uy tín thuộc các ngành thực phẩm - đồ uống - bán lẻ - bao bì có tể kể đến là: Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Viet Nam, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, Công ty TNHH URC Việt Nam, Công ty CP Tetra Pak Việt Nam, Công ty TNHH Bao bì Việt Hưng, Công ty CP Nhựa An phát xanh, Công ty CP đầu tư Thế giới di động, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, Công ty TNHH Aeon Việt Nam…
Theo đánh giá của Vietnam Report, khảo sát các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam ghi nhận sự phục hồi rất tích cực. Hơn 2/3 số doanh nghiệp cho biết doanh thu đã quay trở lại hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát.
Đáng chú ý, hoạt động quản lý chi phí của doanh nghiệp tỏ ra khá hiệu quả khi trong nhóm doanh nghiệp vượt và đạt mức doanh thu. Chỉ có khoảng 6,2% số doanh nghiệp chưa đạt mức lợi nhuận trước đại dịch Covid-19. Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất nói riêng đã thể hiện bản lĩnh vững vàng trên con đường phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh cho rằng, trái với những lo ngại về sự chậm lại của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam đang tỏ rõ những dấu hiệu và sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều chỉ tiêu đã vượt mức trước đại dịch. Sự phục hồi này đạt được chủ yếu nhờ tăng trưởng vững chắc của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sang các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Cộng đồng doanh nghiệp đã nêu ra 5 vấn đề quan trọng nhất cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên giải quyết, bao gồm: tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên không gian số; hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí hoặc gia hạn nộp thuế; ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện tối đa trong tiếp cận các gói hỗ trợ và rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính.
Hơn 2/3 doanh nghiệp cho biết áp lực lạm phát đang có xu hướng gia tăng và bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới là những khó khăn lớn nhất mà họ đang phải đối mặt; tiếp theo là đứt gãy chuỗi cung ứng, sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.