Công khai đồng tính: Cuộc khảo nghiệm của tình thương

(ĐTTCO) - Công khai đồng tính không chỉ là hành trình của một con người chưa trọn vẹn được tái sinh là chính mình, ở đó còn có các đấng sinh thành cũng phải trải qua cuộc khảo nghiệm bản lĩnh của lòng bao dung.
Nguyễn Hoàng Tiên tập huấn chuyên môn cho giáo viên, nhân viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn
Nguyễn Hoàng Tiên tập huấn chuyên môn cho giáo viên, nhân viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn

Sĩ diện “băm nát” tình thân

Sơn Ngọc Minh (23 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) là anh lớn, trong nhà còn một cô em gái nhỏ hơn 2 tuổi, cả hai đều khao khát một giới tính ngược lại. Ba mẹ Minh là nông dân thứ thiệt, sự hiểu biết của họ không vượt ra khỏi lũy tre làng. Minh thú nhận, thật khó để nói cho ba mẹ hiểu cả mình và em gái đều có khuynh hướng giới tính khác biệt. Nhiều lần Minh cố tình mở những chương trình nói về thế giới đồng tính để ba mẹ xem. Họ thấy đó là kỳ cục, là bệnh và chán ngấy khi anh em Minh đề cập những thứ liên quan.

Cả hai anh em như người sống hai mặt suốt những năm học phổ thông, ra đường được là chính mình, nhưng khi về nhà phải trở lại làm đứa con trai, con gái quen thuộc của ba mẹ. Minh mới đi hết năm 2 đại học ở quê đã quyết định bỏ ngang lên TPHCM đi làm để sống cuộc đời tự do. Em gái Minh vừa tốt nghiệp phổ thông cũng nối gót anh, để tìm lại chính mình

Lâm Nguyễn (34 tuổi, TPHCM) bị gia đình từ mặt vì muốn sống thật. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, gia đình xin cho Lâm vào làm tại một đơn vị nhà nước. Lâm liên tục bị thúc ép cưới vợ, họ hàng thay nhau mai mối, giới thiệu đối tượng. Nghĩ tới cảnh đó, Lâm sợ hãi và âm thầm tìm học bổng sang Hàn Quốc học thạc sĩ và ra trường ở lại làm việc luôn. Sau 8 năm, Lâm trở về và thử… yêu con gái, nhưng rồi không thể. Lâm quyết định chở bạn trai về ra mắt. Ba sốc, mẹ đổ bệnh. Chính ba Lâm yêu cầu, nếu không nghe được gia đình thì nên dọn ra ngoài sống.

Nguyên Trần, một bác sĩ có sự nghiệp ổn định tại một bệnh viện công, không thể sống là chính mình vì mẹ. Anh là con trai của một bà mẹ đơn thân nên mang trên mình cả những kỳ vọng và đắng cay mà mẹ anh từng nếm trải. Nguyên từng úp mở nói với mẹ về giới tính thực của mình. Mẹ nhiều lần nói mé: “Con mà làm gì không phải là mẹ chết nhe Nguyên”, câu nói đó đặt dấu chấm hết cho ước nguyện của Nguyên. Rồi Nguyên lấy vợ, sinh ngay một đứa con gái kháu khỉnh, nhưng mấy ai hiểu được sự u uất bên trong Nguyên, anh là bác sĩ nhưng phải tìm đến bác sĩ điều trị tâm lý.

Cùng nhau sống thật

Suy cho cùng, công khai đồng tính đơn giản là hành trình đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là bật ra được câu nói tôi đồng tính, mà sau bức tường đó mới là hành trình định danh phải chinh phục.

Khi gặp nhau, chị Nguyễn Hoàng Tiên dịu dàng hơn cả con gái, dù vẫn giữ cái tên khai sinh Nguyễn Hoàng Tiến. Lớn lên ở một tỉnh lẻ miền Tây, người ta thường cười cợt những người dị tính là “thằng lại cái, con bê đê”, cha sợ Tiến thành bê đê rồi suốt ngày lo son phấn lòe loẹt khiến thiên hạ chê cười. Tiến thừa nhận mình cũng từng sợ, nhưng quyết tâm khẳng định mình thôi thúc hơn.

“Người đồng tính có khao khát được khẳng định bản thân, được thừa nhận nên dễ có những biểu hiện hơi quá. Thay vì đi tìm sự thừa nhận về giới tính, em chọn con đường khẳng định giá trị của bản thân. Vào đại học, em có người yêu và tự làm thêm mà không cần gia đình chu cấp, ra trường chúng em tích cóp cùng mua nhà.

Sau này, em xin một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi để nuôi nấng. Vì con, em thay đổi ngoại hình để trở thành một người mẹ hoàn chỉnh hơn. Với con người mới, em cũng dần khẳng định được chuyên môn và có chỗ đứng trong lĩnh vực giáo dục còn nhiều khuôn mẫu. Chính cha đã trở thành điểm tựa cho em: đóng tủ cho con gái thỏa sở thích sưu tập túi xách, đưa rước cháu ngoại đi học mỗi khi em đi công tác…”, Tiên kể.

Tiên may mắn vì tìm ra con đường đi đúng cho mình và may hơn vì có sự đồng hành, dù chậm, của người thân. “Cuộc đời này đã chẳng dễ dàng với những đứa không bình thường như con tôi. Mình là người thân không thể bao dung, yêu thương hơn, sao còn đi giày xéo con”, cha Tiên thành thật vì ông đã vượt cuộc khảo nghiệm giữa sĩ diện cá nhân và lòng bao dung của đấng sinh thành để sống thật cùng con mình.

Nếu chúng ta hiểu rằng giới tính không phải là xu hướng bên ngoài, mà là khuynh hướng bên trong mỗi con người, là quyền tự nhiên tạo hóa ban cho họ, họ không “học đòi” hay “lây” và “lan” như nhiều người phê phán, mà là sự lựa chọn cuộc sống thật với cảm xúc và tình cảm chính mình, thì hãy yêu thương và bao dung với họ, kể cả người lạ và càng với người thân.

Các tin khác