Từ hôm nay 1-11 đến hết tuần, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng và cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng.
Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, được dư luận quan tâm nên Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để bàn thảo kỹ, kiến nghị các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm tăng hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, củng cố niềm tin nhân dân.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến gửi tới kỳ họp thứ 4, cử tri và nhân dân phản ánh dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhưng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua chưa đạt mục tiêu đề ra. Tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.
Nhiều vụ việc vi phạm, lãng phí nhưng chưa được xử lý nghiêm và chưa thông báo công khai kết quả xử lý. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự bức xúc về quốc nạn tham nhũng đang dùng “ma thuật” biến tài sản công thành tài sản tư, đất công thành đất tư, nhà công vụ thành nhà tư, gây thất thoát lãng phí hàng chục ha đất, hàng triệu mét vuông nhà, hàng trăm ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, hàng triệu tấn tài nguyên khoáng sản.
Quốc nạn tham nhũng đục khoét ngân khố quốc gia, khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người, làm giảm sút lòng tin và suy kiệt nhựa sống xã hội.
Một trong những nguyên nhân khiến chống tham nhũng đạt hiệu quả thấp là do công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số văn bản, đề án quan trọng chưa được ban hành kịp thời (như Nghị định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...).
Một số quy định đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung (như chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng...).
Một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chồng chéo đã tạo những kẽ hở cho tham nhũng phát sinh, như các quy định liên quan đến quản lý tổ chức, hoạt động, kiểm soát đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; quy định về công khai trong đấu thầu, mua sắm tài sản công; khai thác và quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên…
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng chưa quyết liệt. Trên thực tế, nhiều năm qua tồn tại một thực trạng: Qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát lớn về tiền, tài sản, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý hành chính; số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít.
Trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua các cấp, các ngành đã tiến hành thanh tra trên 62.000 vụ việc, song mới phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6% tổng số vụ thanh tra. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi phải chăng có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, hoặc có sự nắn dòng, bẻ ghi làm chuyển hướng kết quả thanh tra?
Tại Hội nghị lần thứ 5 mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, trong đó đáng chú ý là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, lập lại Ban Nội chính Trung ương...
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Luật được sửa theo hướng tăng cường công khai, minh bạch trong các lĩnh vực quản lý, nhất là lĩnh vực ngân sách nhà nước; quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, quản lý cán bộ; quy định cụ thể hơn trong việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng từng bước mở rộng diện kê khai, tăng cường công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản…
Rõ ràng, với thực tế như trên, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm chính trị cao hơn nữa để phòng chống tham nhũng. Và người dân kỳ vọng các kiến nghị của đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, tạo sự chuyển biến mới đẩy lùi nạn tham nhũng.