Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 2 năm qua, giá căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,5%, căn hộ trung cấp tăng từ 2-3%. Tăng giá mạnh nhất là phân khúc đất nền với mức khoảng 5%; thậm chí, có nơi tăng 10%.
Từ cuối năm 2021 đến nay, giá đất nền, nhà liền kề, biệt thự tại nhiều địa phương đã tăng đến 50%, cá biệt có nơi tăng gấp đôi. Hiện nay, thị trường bất động sản tại 20 địa phương đang tiềm ẩn nguy cơ sốt đất thông qua đấu giá và ảnh hưởng đến nhà ở, giá đất.
Về các giải pháp nhằm kiểm soát giá trên thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần kiểm soát chặt về tín dụng và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, điều chỉnh lại cơ cấu các sản phẩm bất động sản trong các dự án, trong đó giảm phân khúc nhà ở cao cấp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, nhất là công khai nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ thông tin về quy hoạch, dự án bất động sản để cả người dân và doanh nghiệp biết, tránh tình trạng một số nhà đầu cơ, môi giới thổi giá lên cao.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản hoạt động chưa quy củ, trong đó có vấn đề thông tin chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời. Các thông tin về thị trường chưa được đánh giá một cách toàn diện.
"Để xử lý vấn đề này, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất Chính phủ sửa đổi, thay thế Nghị định 117. Mục tiêu là để cung cấp thông tin cơ bản, không chỉ cho cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương nắm được mà còn cung cấp thông tin cho khách hàng, cho người dân" - ông Khởi cho biết.