Theo nhiều chuyên gia, bất động sản là những tài sản có giá trị lớn, kênh đầu tư được nhiều người quan tâm, do đó chỉ những nhà đầu tư có khả năng về tài chính mới có cơ hội tham gia đầu tư.
Do vậy, việc “chẻ nhỏ” giá trị của các bất động sản thành những “miếng nhỏ” để ai cũng có thể tham gia đầu tư thông qua các ứng dụng công nghệ được nhiều người quan tâm. Việc tham gia của nhiều người vào một thị trường giúp tạo nên sư minh bạch hơn, cùng nhau kiểm soát quá trình đầu tư, chuyển từ xu hướng tập trung sang phi tập trung để hạn chế lây lan dịch bệnh trong bối cảnh như dịch Covid-19 vừa qua…
Bên cạnh những xu hướng tích cực thì mô hình này cũng có một số hạn chế như chỉ phù hợp với giới trẻ khi họ thông thạo về công nghệ, kiến thức nền tảng kỹ thuật số cũng như các vấn đề liên quan chưa được phố biến rộng rãi trong người dân; kiến thức xã hội, cơ chế đồng thuận cũng còn nhiều cách biệt, hạn chế…
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đặt ra những tình huống pháp lý của mô hình này. Trên thực tế mô hình này mới hình thành ở thị trường Việt Nam, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, khung pháp lý về kinh doanh bất động sản khi số hóa chưa được đề cập… do đó khi rủi ro, tranh chấp xảy ra sẽ không biết xử lý như thế nào, có được pháp luật thừa nhận.
GS.TS Trần Ngọc Thơ nêu ra nhiều vấn đề cần làm rõ, chính quyền nhìn nhận như thế nào về tài sản kỹ thuật số? tài sản mã hóa? Khi chưa có hành lang pháp lý, việc một số doanh nghiệp triển khai là lách luật hay vi phạm pháp luật…? GS.TS Thơ khuyến cáo, cần hết sức thận trọng cho vấn đề này, về lâu dài cần có sự thảo luận rất kỹ từ các chuyên gia, nhà làm luật cũng như ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp giúp hoàn thiện khung pháp lý để từ đó có thể thực hiện thí điểm.