Công nghiệp và vải thiều Bắc Giang trước cơn bão covid

(ĐTTCO)-Nếu đợt dịch Covid-19 thứ 3 (đầu năm 2021) cả nước cùng hướng về tâm dịch Hải Dương, thì sang đợt 4 cái tên ấy là Bắc Giang. Đối với Bắc Giang, dịch covid đã xâm nhập vào trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của tỉnh, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến việc thu hoạch và tiêu thụ vùng vải thiều lớn nhất Việt Nam. 
 Phút nghỉ ngơi của những chiến sĩ áo trắng tại thôn Núi Hiểu xã Quang Châu, Việt Yên
Phút nghỉ ngơi của những chiến sĩ áo trắng tại thôn Núi Hiểu xã Quang Châu, Việt Yên
Chính quyền tỉnh Bắc Giang đã buộc phải đưa ra quyết định “khó nhất cuộc đời” đóng cửa 4/6 KCN của tỉnh và giãn cách xã hội 5/10 huyện, Thành phố trực thuộc.
Khi Covid  tấn công trung tâm công nghiệp
Từ 0h, ngày 18-5 khi chính quyền tỉnh Bắc Giang đưa ra quyết định đóng cửa 4 KCN của tỉnh là: Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Song Khê-Nội Hoàng. Có rất nhiều ý kiến cho rằng chính quyền Bắc Giang đã quá chậm trễ với quyết định này, bởi đáng lẽ phải đóng cửa KCN trước đó 7-10 ngày.
Nhưng có lẽ chỉ những người trong cuộc, hoặc ai quan tâm tìm hiểu sâu sắc Bắc Giang mới hiểu được sự khó khăn, phải cân nhắc, suy tính của các cấp lãnh đạo tỉnh khi đưa ra quyết định trên. Bởi khi mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở Bắc Giang không thể dung hòa được, phương án cuối cùng mới phải đóng cửa và giãn cách xã hội.
Quay ngược lại quá khứ, hơn 20 năm trước, khi nhắc đến Bắc Giang người ta sẽ nghĩ ngay tới 1 tỉnh trung du miền núi chủ yếu đồi rừng, thuần nông, công nghiệp lạc hậu, chậm phát triển. Khi đó cả tỉnh chỉ có Nhà máy phân đạm hóa chất Hà Bắc cũ có chút tiếng tăm, cùng vài cơ sở nhỏ lẻ của ngành công nghiệp dệt may. 
Trước năm 2000, vùng đất thuộc địa phận huyện Việt Yên, Yên Dũng và 1 phần TP Bắc Giang đang trong tâm dịch Covid-19 hiện nay chỉ là những cánh đồng chiêm trũng, nhiều khu quanh năm ngập nước, dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế nghèo khó. 
Đến năm 2001 khi có tuyến đường QL 1 A mới chạy từ Hà Nội đi qua huyện Việt Yên, Yên Dũng rồi TP Bắc Giang lên tận Lạng Sơn đã mang tới tín hiệu phát triển công nghiệp, dịch vụ cho toàn khu vực. Người dân Bắc Giang vui sướng khi có đường mới, rộng thênh thang, họ đã quen miệng gọi luôn là “Đường cao tốc”, dù nó vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của cao tốc.
Ngay sau đó lần lượt các KCN lớn bắt đầu xuất hiện, bám vào 2 bên QL 1A mới. Đó là KCN Đình Trám với diện tích 127ha, rồi Quang Châu 426ha, Vân Trung gần 400ha, Song Khê-Nội Hoàng 154ha. Khoảng hơn 1.100ha đất ruộng trước kia đã dần dần biến thành đại công trường với rừng nhà máy, xí nghiệp mọc lên san sát nhau.
Giờ đây đi qua đoạn QL 1A dài hơn 10km từ phía Bắc cầu Như Nguyệt đến địa phận xã Song Khê (TP Bắc Giang) ta gần như không nhìn thấy đồng ruộng đâu nữa, thay vào đó  là những khối nhà xưởng, bảng hiệu công ty, xí nghiệp…
4 KCN trên đã tạo thành vùng công nghiệp lớn nhất tỉnh Bắc Giang. Hiện nay các KCN trên tiếp tục được mở rộng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, dần trở thành cụm công nghiệp lớn, trọng điểm ở phía Bắc. Những tập đoàn lớn như: Samsung, Apple, Hồng Hải ( Foxconn)… đã lần lượt đặt nhà máy sản xuất ở đây. Rất nhiều dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị công nghệ cao đã đi vào hoạt động ở 4 KCN trên.
Công nghiệp phát triển đã nhanh chóng biến các làng quê dân cư thưa thớt xưa kia thành những tiểu đô thị đông đúc, giầu có. Hiện nay đi vào các thôn, xóm ở xã: Quang Châu, Vân Trung, Hoàng Ninh, Tăng Tiến (Việt Yên) hay Nội Hoàng (Yên Dũng), Song Khê (TP Bắc Giang) ta sẽ ngỡ ngàng bởi sự phát triển đến chóng mặt.
Nhà nhà xây trọ cho công nhân thuê ở, người người làm kinh doanh dịch vụ. Đường sá chằng chịt khắp thôn xóm, hàng quán mọc như nấm sau mưa, nhà cao tầng, biệt thự đua nhau xây dựng…
Đặc biệt trong cơn sốt bất động sản từ giữa năm 2020- đến đầu 2021 nhiều thôn, làng nằm sát 4 KCN trên có giá đất còn cao hơn 1 số vùng thuộc trung tâm TP Bắc Giang.
4 KCN hình thành và phát triển đã tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 130.000-150.000 công nhân gồm cả người bản địa và người đến từ hơn 50 tỉnh, thành khác trong cả nước, cùng đội ngũ công nhân, chuyên gia nước ngoài.
Một số thôn trong các xã như: My Điền, Núi Hiểu, Phúc Long, Phúc Tằng, Thôn Giá, thôn Nội… hiện nay đã trở thành cộng đồng dân cư đa tỉnh, thành từ Bắc tới Nam và đa dân tộc từ người: Thái, Mường, Dao, Tày, Nùng, Mông… ở các tỉnh miền núi xuống đây làm công nhân.
Giờ đây, nói đến kinh tế và công nghiệp Bắc Giang, người ta không còn nhắc tới Nhà máy phân đạm hóa chất Hà Bắc, hay những làng nghề thủ công truyền thống nữa. Thay vào đó là một tỉnh đang có tốc độ công nghiệp phát triển vượt bậc với những nhóm ngành của trí tuệ và công nghệ cao.
Và nói đến công nghiệp Bắc Giang thì 4 KCN tạo thành cụm công nghiệp ven QL 1A mới đã thành trung tâm, biểu tượng cho 1 Bắc Giang mới đang vươn mình phát triển. Chính các KCN, dịch vụ nói trên phát triển, đã góp phần quan trọng vào chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng đến 13,02% trong năm 2020 cho Bắc Giang. Biến Bắc Giang thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất Việt Nam năm 2020.
Vậy mà, chỉ từ 1-2 ca nhiễm Covid mang biến chủng Ấn Độ âm thầm xâm nhập vào khu trung tâm của công nghiệp Bắc Giang với nhà máy, xí nghiệp, vùng dân cư đông đúc san sát nhau… đã có sức phá hoại, lan truyền quá ghê gớm.
Một phân xưởng với cả ngàn công nhân ngồi sát nhau dưới điều hòa nhiệt độ, rồi hàng ngàn chiếc xe đưa đón công nhân chật cứng người, hay khi tan tầm 2 bên đường gom QL 1A công nhân đổ ra chật cứng cả chục km… Tất cả đã tạo môi trường siêu thuận lợi để con virus trở thành siêu lây nhiễm, siêu phát tán.
Ngày 5-5 Bắc Giang mới ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên, sau đó KCN Vân Trung bắt đầu xuất hiện trùm ca bệnh lẻ tẻ. Nhưng chỉ sau đúng 10 ngày, đến 15-5 Bắc Giang đã trở thành vùng dịch lớn nhất cả nước. Liên tiếp trong các ngày giữa tháng 5-2021 chính quyền tỉnh Bắc Giang đã phải đưa ra các quyết định khó khăn từ giãn cách xã hội huyện Việt Yên, đóng cửa 4 KCN rồi đến nay đã giãn cách xã hội toàn bộ TP Bắc Giang và 4 huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang và Việt Yên.
Việc đóng cửa KCN, giãn cách vùng dân cư đông đúc nhất tỉnh chắc chắn sẽ gây ra sự tê liệt trong đời sống, và hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. 
Công nghiệp và vải thiều Bắc Giang trước cơn bão covid ảnh 1 Hình ảnh thương lái mua bán vải thiều tấp nập ở Thị trấn Chũ trong năm trước khó lặp lại trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Nỗi lo quả vải thiều
Covid-19 làm tê liệt Trung tâm công nghiệp của Bắc Giang và các vùng dân cư phụ cận. Đến nay hầu hết các KCN, nhà máy đã đóng cửa hoặc cho công nhân nghỉ việc. Không chỉ vậy, dịch bệnh cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến vùng vải thiều lớn nhất Việt Nam ở huyện Lục Ngạn.
Trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với khoảng trên dưới 100 ca nhiễm mới/ngày, người trồng vải ở Bắc Giang lại đang bắt đầu vào vụ thu hoạch sớm từ nửa cuối tháng 5-2021 và đến giữa tháng 6-2021 là vụ thu hoạch chính.
Cây vải thiều được trồng tập trung ở huyện Lục Ngạn và rải rác trên các huyện khác trong toàn tỉnh. Năm 2020 sản lượng vải thiều Bắc Giang đạt gần 165.000 tấn với tổng doanh thu từ vải và dịch vụ phụ trợ là hơn 6.800 tỷ đồng. 
Năm nay người trồng vải thiều Bắc Giang được mùa và dự báo sẽ đạt 180.000 tấn với doanh thu trên 7.000 tỷ đồng. Vải thiều Bắc Giang mấy năm nay luôn chiếm khoảng 50-60% tổng sản lượng của cả nước. Vải thiều trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đi các tỉnh và sang nước ngoài của tỉnh Bắc Giang.
Cây vải đã góp phần vào công cuộc thay đổi bộ mặt kinh tế của cư dân nhiều vùng đồi núi rộng lớn ở Bắc Giang, tạo ra công ăn việc làm cho hàng vạn người cả dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số.
Chính quyền tỉnh Bắc Giang và đặc biệt là người trồng vải trong tỉnh như  ngồi trên lửa bởi tình hình dịch bệnh vẫn đang căng như dây đàn. Hàng năm cứ đến vụ thu hoạch vải thiều vào tháng 5-6, những ngả đường như đều đổ về Lục Ngạn. Hàng đoàn xe tải, container, xe thồ… của các tiểu thương khắp mọi miền đất nước xếp thành hàng dài trên trục đường QL 31 từ Thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) đến Thị trấn Chũ (Lục Ngạn) để nhập vải thiều.
Từ Lục Ngạn những đoàn xe chở vải thiều cũng nối đuôi nhau tiến lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để xuất sang Trung Quốc (thị trường xuất khẩu vải thiều lớn nhất của Bắc Giang). Nhưng có lẽ năm nay hình ảnh sẽ khó xuất hiện trở lại.
Mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng Bắc Giang đã đề ra nhiều phương án, kế hoạch để đảm bảo việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều an toàn. Như việc là giãn cách xã hội toàn huyện Lục Nam, nơi đã có những ca Covid-19 và cũng là điểm giáp ranh với vựa vải Lục Ngạn. Rồi đẩy mảnh chuyển đổi số, đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử, bán online. Lập vùng thu hoạch, tiêu thụ vải thiều an toàn với các chốt canh, đội tuần tra phòng chống dịch hoạt động liên tục ngày, đêm…
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, để tiêu thụ với giá tốt nhất cả một lượng vải thiều khổng lồ trong dịch bệnh là điều vô cùng khó. Hiện nay các ngả đường ở nội tỉnh Bắc Giang và từ Bắc Giang sang tỉnh khác đã được lập chốt để kiểm soát phương tiện ra, vào.
Bài học nhãn tiền của tỉnh Hải Dương đầu năm 2021 cho thấy một lượng lớn nông sản đã phải vứt bỏ hoặc bán với giá “giải cứu” rẻ như cho.
Hàng ngàn hộ nông dân ở Lục Ngạn và các huyện khác cả năm đã đổ tiền của, công sức vào vườn vải chỉ trông chờ được 1 vụ thu hoạch duy nhất vào mùa hè. Họ thực sự không muốn viễn cảnh quả vải thiều bị “giải cứu” rẻ như cho kiểu nông sản Hải Dương hay dưa hấu mấy năm qua.
Nỗi lo của người trồng vải Bắc Giang, của cơ quan chức năng Bắc Giang ngày một lớn theo từng bản tin Covid. 
Tất cả dường như đang cầu mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, dập tắt cùng những quyết sách đúng đắn, kịp thời của chính quyền Bắc Giang. Đồng thời còn cần đến sự mở lối, phối hợp 1 cách an toàn trong việc vận chuyển, khử khuẩn, chống dịch… giữa Bắc Giang với các tỉnh, thành lân cận cũng như trên cả nước, để quả vải thiều không phải gắn mác “giải cứu”.

Các tin khác