Quý I năm nay chứng kiến sự đổi ngôi trên bảng xếp hạng thị phần của các công ty chứng khoán. VPS - từ chỗ nằm ngoài top 5 về thị phần môi giới chứng khoán trên HoSE đầu năm 2020 - đã tiến thẳng đến vị trí số 1, khi quý I khép lại với 13,24%.
Cùng với đó là việc SSI chấp nhận mất ngôi vương về thị phần môi giới sau 8 quý liên tục dẫn đầu. Ba vị trí còn lại trong top 5 vẫn là những cái tên quen thuộc gồm HSC, Bản Việt và VNDirect.
Đứng đầu về thị phần, VPS ghi nhận doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán trong quý I là 439 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí cho nghiệp vụ này của VPS là 367 tỷ đồng.
Thị phần không đi cùng lợi nhuận
Tại SSI, doanh thu môi giới chứng khoán quý I là 438 tỷ đồng, không chênh lệch đáng kể với VPS. Tuy nhiên, chi phí cho nghiệp vụ môi giới của SSI chỉ là 257 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với VPS.
Còn doanh thu môi giới chứng khoán của HSC, Bản Việt và VNDirect lần lượt là 295 tỷ đồng, 268 tỷ đồng và 163 tỷ đồng. Còn chi phí cho nghiệp vụ này của 3 công ty chứng khoán trên là 156 tỷ đồng, 101 tỷ đồng và 122 tỷ đồng.
Như vậy, dù có thị phần môi giới cao nhất, VPS cũng chính là công ty có tỷ lệ chi phí trên doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán lớn nhất trong 5 cái tên kể trên. Điều này đồng nghĩa với việc để đạt được một đồng doanh thu môi giới chứng khoán, VPS tốn kém nhiều chi phí hơn so với các công ty còn lại trong top 5.
Để vươn lên vị trí số một về thị phần, VPS thời gian qua triển khai nhiều chính sách như miễn phí giao dịch cơ sở và phái sinh trong 3 tháng đầu, sau đó sẽ duy trì mức phí giao dịch thấp hơn các đối thủ, tung các gói vay ký quỹ (margin) với lãi suất cạnh tranh hơn mặt bằng chung trên thị trường.
Nhưng chạy đua về miễn giảm phí, lãi vay margin để tăng thị phần không phải là cách nhiều công ty chứng khoán lựa chọn.
Trao đổi với Zing bên lề đại hội cổ đông thường niên tổ chức đầu tháng 4, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt Tô Hải nêu quan điểm cá nhân việc hạ phí môi giới bằng 0 để thu hút khách hàng mới là không công bằng với khách hàng cũ.
Ông Hải cho rằng cho rằng nếu khách hàng đến với công ty chứng khoán vì phí giao dịch thấp thì cũng sẽ rời đi khi không còn chương trình miễn giảm phí. Muốn giữ chân khách hàng thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Muốn làm được việc này thì công ty phải đầu tư và để đầu tư thì cần có tiền, có lợi nhuận.
Theo ông Hải, chất lượng dịch vụ của một công ty chứng khoán sẽ được phản ánh qua các báo cáo phân tích của đội ngũ nghiên cứu, nền tảng công nghệ đảm bảo hệ thống giao dịch thông suốt, ổn định, nhanh chóng. Công ty cũng không cấp margin cho những cổ phiếu rủi ro cao.
“Nếu giàu lên khi giao dịch với chúng tôi, họ sẽ tự gắn bó. Còn nếu mất tiền, họ giao dịch làm gì nữa”, ông Hải chia sẻ với Zing. Đồng quan điểm, Tổng giám đốc HSC Trịnh Hoài Giang cũng cho rằng “quan trọng nhất là khách hàng của công ty đầu tư phải có lãi chứ không phải thị phần số 1 hay 2”.
Bài toán biên lợi nhuận
Theo phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán trong top 5 về thị phần môi giới, các con số trên bảng xếp hạng đang không phản ánh đầy đủ bức tranh thực tế. Nhiều công ty chứng khoán thực hiện tự doanh chỉ số tương lai và mua, bán cổ phiếu cơ sở trong rổ VN30 để cân bằng trạng thái.
"Quan trọng nhất là khách hàng của công ty đầu tư phải có lãi chứ không phải thị phần số 1 hay 2", Tổng giám đốc HSC Trịnh Hoài Giang
Lãnh đạo một công ty chứng khoán nhỏ có thị phần nằm ngoài top 10 chia sẻ với Zing những đơn vị chỉ hoạt động thuần về môi giới chứng khoán có tỷ suất lợi nhuận rất thấp với ROE (tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) chỉ khoảng 5-6%. Các công ty chứng khoán ở Việt Nam muốn đạt hệ số ROE cao phải phát triển mảng ngân hàng đầu tư và tự doanh.
Nếu đẩy mạnh hoạt động tự doanh trong mảng phái sinh để tăng thị phần môi giới, biên lợi nhuận sẽ càng mỏng. Thậm chí, hoạt động môi giới của công ty đó có thể sẽ lỗ và phải bù đắp bằng lợi nhuận từ hoạt động khác. Vị này ví von chiến thuật này không khác gì cuộc chơi “đốt tiền” để lấy thị phần như cách nhiều công ty công nghệ đang làm.
Tuy nhiên, nếu có tiềm lực lớn, các công ty chứng khoán có thể chấp nhận tốn nhiều chi phí để tăng thị phần, thu hút khách hàng. Khi có tệp khách hàng đủ lớn, công ty chứng khoán sẽ phát triển hệ sinh thái và có nhiều nguồn thu dựa vào nhiều sản phẩm chứ không chỉ phí giao dịch.