Giữ chân KH cá nhân
Thị phần môi giới của các CTCK có sự phân hóa khá rõ nét trong những năm gần đây, với 8 CTCK đầu ngành chiếm 60% thị phần, 40% còn lại được chia đều cho hơn 60 CTCK. Theo thống kê, dẫn đầu về thị phần 6 tháng đầu năm 2022 là VPS (chiếm 17,6%), kế đến là SSI (9,8%), VNDS (8%), HSC (5,6%), TCBS (5,5%), VCSC (4,6%), MBS (4,5%) và FPTS (3,3%). Theo báo cáo phân tích mới đây về ngành CK của CTCK Mirae Asset Việt Nam (MSVN), ngay cả khi số lượng tài khoản mở mới tiếp tục gia tăng thì phần lớn thị phần sẽ tiếp tục tập trung nhiều hơn về các CTCK đầu ngành, do các CTCK này liên tục tăng mạnh về quy mô vốn để cạnh tranh thu hút KH.
Hiện môi giới KH cá nhân được xem là mảng kinh doanh trọng yếu, khi các NĐT cá nhân chiếm hơn 85% tổng giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường. Các CTCK hàng đầu như VPS, TCBS, VNDS và SSI đang tích cực lấy thêm thị phần bằng cách chiếm lĩnh các KH mới tham gia giao dịch. Mục đích chính là xây dựng mạng lưới KH cá nhân rộng lớn, thu hút càng nhiều KH mới càng tốt. Mạng lưới KH lớn giúp các CTCK càng dễ gặt hái thành quả về sau bằng cách bán chéo các sản phẩm tài chính cao cấp hơn.
Những CTCK này có chiến lược riêng trong việc thu hút KH, chủ yếu thông qua xây dựng một mạng lưới môi giới vững mạnh hay cạnh tranh về phí bao gồm: miễn phí môi giới hoặc đưa lãi suất ký quỹ bằng 0 trong một khoảng thời gian. Nhiều CTCK đang tích cực đầu tư vòng 1 vào số hóa như: eKYC, giao diện ứng dụng, AI và các dịch vụ thông minh bổ sung. Ở một hướng đi khác, nhiều CTCK thúc đẩy thị phần môi giới cá nhân bằng việc tái cơ cấu bộ phận môi giới và phân tích theo hướng tập trung hơn vào nhu cầu của các NĐT cá nhân.
Thời gian gần đây, do số lượng NĐT mở tài khoản mới đã có dấu hiệu suy giảm, nên ngoài việc mở rộng thị phần, các CTCK cũng phải tìm cách giữ chân KH cũ. Một khi đã thu hút được KH, các tương tác sẽ dần được tăng lên.
Chẳng hạn, nhân viên môi giới các CTCK sẽ cung cấp thông tin/hướng dẫn cơ bản về giao dịch và các báo cáo phân tích như một phần của gói dịch vụ KH, số hóa giúp nâng cao trải nghiệm người dùng. Mục tiêu để tổng giá trị tài sản trung bình (NAV) và doanh thu trên mỗi tài khoản tăng, từ đó tạo ra sự gắn bó của KH.
“Đón đầu” KH tổ chức
Mặc dù mảng KH cá nhân vẫn sinh lợi tốt, nhưng sự cạnh tranh về KH tổ chức đã và đang chứng kiến sự tranh đua gay gắt trong những năm gần đây. Theo MSVN, mảng môi giới KH tổ chức vẫn còn là một mảng kinh doanh chưa được khai thác rộng rãi ở nhiều CTCK, tạo cơ hội tiềm năng cho các CTCK đi trước đón đầu.
Thực tế, môi giới KH tổ chức là mảng kinh doanh khá mới mẻ ở Việt Nam, với chỉ một số ít các CTCK lớn tham gia vào thị trường này. Ở một số CTCK đầu ngành, mảng kinh doanh này thậm chí còn rất ít hoặc không tồn tại ở các CTCK nhỏ.
Đáng chú ý là các CTCK đi đầu trong mảng này là những CTCK có vốn nước ngoài. Theo MSVN, nguyên nhân có thể là do TTCK Việt Nam vẫn là thị trường cận biên và NĐT cá nhân nắm quyền chi phối, dù sự tham gia của các NĐT tổ chức vẫn đều và mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Vì vậy hầu hết các CTCK hiện nay đều tập trung vào phân khúc KH cá nhân.
Trong khi đó, môi giới KH tổ chức là mảng kinh doanh có rào cản gia nhập cao vì đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, không phù hợp với những CTCK nội địa có quy mô vừa và nhỏ trong giai đoạn tăng trưởng hiện tại. Trên thực tế, để bắt đầu mảng kinh doanh KH tổ chức đòi hỏi sự hợp lực giữa các bộ phận khác nhau với sự thiết lập các điều kiện như: quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP), quản lý rủi ro, cơ sở dữ liệu KH quốc tế.
Theo giới phân tích, mảng KH tổ chức sẽ là động lực tăng trưởng chính trong 3-5 năm tới. Hiện tại, NĐT tổ chức đóng góp khoảng 10% tổng khối lượng giao dịch, tương đương 100 triệu USD, trong tổng giá trị giao dịch trung bình hàng ngày dưới 1 tỷ USD.
Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch hàng ngày ở Thái Lan là khoảng 3 tỷ USD với tỷ trọng của các NĐT tổ chức là 50%. Do đó, mảng môi giới KH tổ chức ở Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng đáng kể, một khi KH tổ chức đóng góp nhiều hơn trong tỷ trọng giao dịch hàng ngày. Đặc biệt, với khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 3-5 năm tới, các NĐT tổ chức sẽ quan tâm nhiều hơn đến TTCK.
Cuộc đua tăng vốn
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, TTCK xuất hiện làn sóng tăng vốn, đặc biệt từ các CTCK lớn nhằm bắt kịp nhu cầu gia tăng của NĐT cá nhân và phục vụ cho việc bảo lãnh phát hành. Xa hơn nữa là mục tiêu giành thêm thị phần và thúc đẩy hơn nữa thu nhập của bộ phận nguồn vốn.
Tính đến thời điểm hiện tại, SSI là CTCK có vốn chủ sở hữu lớn nhất trên TTCK, đạt 14.901 tỷ đồng. Theo sát VNDS và TCBS với vốn chủ sở hữu lần lượt là 14.405 tỷ đồng và 10.190 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của 3 CTCK này bỏ xa các CTCK xếp sau trong Top 10 gồm: SHS (9.365 tỷ đồng), MSVN (8.957 tỷ đồng), VPS (8.135 tỷ đồng), HSC (7.830 tỷ đồng), VCSC (7.142 tỷ đồng), MBS (3.697 tỷ đồng), FPTS (3.211 tỷ đồng).
Lý do khiến các CTCK đua nhau tăng vốn là vì nguồn vốn mạnh sẽ giúp CTCK cho vay margin cao hơn, giúp nguồn doanh thu đa dạng hơn. Hiện tổng giá trị cho vay ký quỹ toàn thị trường thời điểm cuối quý II đạt 150.000 tỷ đồng, với 5 CTCK dẫn đầu về giá trị cho vay ký quỹ là SSI (chiếm 9,8%), TCBS (9,5%), VNDS (7,8%), HSC (7,5%) và MSVN (9%).
Đáng chú ý, MSVN là CTCK nước ngoài duy nhất nằm trong nhóm Top 10 CTCK cho vay nhiều nhất nhờ có chi phí vốn thấp dưới sự hậu thuẫn của ngân hàng mẹ đến từ Hàn Quốc. Cho vay ký quỹ cùng với tiền gởi không kỳ hạn (CASA) và tiền gửi KH là những công cụ giúp các CTCK giành thêm thị phần. Những CTCK có sự vượt trội về những chỉ số này đồng thời cũng ghi nhận thu nhập gia tăng tương ứng từ nguồn vốn.
Trong 3-5 năm tới, các CTCK lớn với nền tảng KH vững chắc sẽ có khả năng đầu tư hơn nữa vào công nghệ để thích ứng với môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng và củng cố lợi thế cạnh tranh. |