Vay tiền mặt lên ngôi
Ra mắt vào ngày 1-10-2018, tân binh tài chính tiêu dùng Easy Credit, thương hiệu của CTTC cổ phần Điện lực (EVN Finance) đã tung ra thị trường gói vay tiền mặt phục vụ mục đích tiêu dùng. Đối tượng tiềm năng được nhắm đến là những khách hàng chưa được các NH đặc biệt quan tâm, và khách hàng có thu nhập trung bình với mức thu nhập hàng tháng tối thiểu 4,5 triệu đồng.
Thời gian đầu, gói vay tiền mặt này được giới thiệu đến khách hàng tại 5 tỉnh thành gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu… Khoản vay tối thiểu 10 triệu đồng và tối đa 90 triệu đồng, thời hạn vay lên đến 60 tháng. Nếu lịch sử tín dụng tốt, thu nhập ổn định, lãi suất áp dụng chỉ 1,25%/tháng, tương đương khoảng 15%/năm.
Cho vay tiền mặt cũng là mục tiêu một thương hiệu tài chính tiêu dùng mới vừa ra mắt hồi tháng 8 là SHB Finance nhắm đến. Cụ thể, SHB Finance đang thực hiện gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp và khởi động kênh tư vấn dịch vụ, đăng ký vay trực tuyến. Đối tượng CTTC này hướng tới là nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.
Dịch vụ này đang được cung cấp tại 5 tỉnh, thành là Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, và dự kiến đến hết năm 2018 sẽ có mặt tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, cung cấp dịch vụ cho khoảng 30.000 khách hàng.
Khách hàng đang thực hiện gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp của SHB Finance.
Cũng là một tên tuổi mới, VietCredit cho vay tiền mặt dưới hình thức phát hành thẻ vay. Khách hàng có thể dùng thẻ vay để rút tiền mặt 24/7 tại tất cả ATM của các NH liên kết với CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) trong hạn mức tín dụng được cấp.
Có thể thấy, cho vay tiền mặt không cần tài sản đảm bảo không phải là dịch vụ mới, vì trước đó FE Credit, Home Credit, HD Saison… đã triển khai khá lâu. Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện của các tân binh tài chính tiêu dùng trong phân khúc này, cuộc đua trở nên sôi động hơn trước rất nhiều.
Áp lực thay đổi lượng và chất
Theo ông Branislav Vargic, Giám đốc Vận hành Home Credit Việt Nam, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng, khi dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động chiếm đến 70% trong hơn 90 triệu dân. Đồng thời, số lượng dân cư có giao dịch tín dụng được ghi nhận chính thống qua NH, CTTC mới chỉ khoảng 33,5 triệu người.
Áp lực thay đổi lượng và chất
Theo ông Branislav Vargic, Giám đốc Vận hành Home Credit Việt Nam, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng, khi dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động chiếm đến 70% trong hơn 90 triệu dân. Đồng thời, số lượng dân cư có giao dịch tín dụng được ghi nhận chính thống qua NH, CTTC mới chỉ khoảng 33,5 triệu người.
Một yếu tố tiềm năng nữa là thu nhập ngày càng gia tăng thúc đẩy người dân muốn chi tiêu, mua sắm nhiều hơn. Chính vì vậy, trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã xuất hiện thêm những CTTC tiêu dùng mới, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu có mặt lâu năm.
Trong bối cảnh như vậy, để tìm được chỗ đứng trên thị trường là câu chuyện không đơn giản. Nhìn vào thị trường hiện nay, các CTTC như Home Credit, FE Credit hay HDSaison vẫn giữ vai trò chiếm lĩnh và gần như trải khắp trên thị trường truyền thống, chủ yếu cho vay trả góp tại các cửa hàng bán lẻ. Thậm chí, mỗi điểm bán lẻ còn có đến 2-3 CTTC cùng hoạt động để cho vay mua hàng trả góp.
Đáng chú ý, thị trường tài chính tiêu dùng với hình thức cho vay trả góp mua hàng đang trở nên bão hòa. Trong một báo cáo phát hành gần đây, Công ty chứng khoán Bản Việt cũng nhận định, tỷ trọng đóng góp của FE Credit vào lợi nhuận hợp nhất của VPBank 9 tháng qua chỉ còn 37%, giảm mạnh so với mức 45% thường thấy trong các kỳ báo cáo trước.
Ước tính FE Credit chỉ đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 4,2% tính từ đầu năm. Tương tự, HD Saison chỉ đạt tăng trưởng khoảng 6,6% và chỉ đóng góp khoảng 21,4% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm của HDBank.
Trong bối cảnh đó, để khai thác được mỏ vàng tín dụng tiêu dùng, các CTTC bắt buộc phải tung chiêu mới. Cụ thể bên cạnh cho vay trực tiếp ở cửa hàng, hầu hết các CTTC đều đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng với hạn mức rất cao để thâm nhập vào phân khúc không có tài khoản NH và thu nhập thấp.
Giới chuyên gia cũng đánh giá, đây là cách hiệu quả để thâm nhập vào 48% dân số là phân khúc thu nhập phổ thông và thấp. Đó cũng là lý do các CTTC mới tập trung cạnh tranh mở rộng thị phần, thay vì cho vay mua hàng trả góp và dự báo trong thời gian tới cuộc đua giành thị phần trong cho vay tiền mặt sẽ càng nóng lên.
Tuy nhiên, khi các CTTC chuyển hướng sang cho vay tiền mặt, các cảnh báo về rủi ro lo nợ xấu cũng cao hơn. Bởi CTTC áp dụng lãi vay tiền mặt cao, trong khi người vay tiền cần tiền nên bất chấp lãi suất hoặc sử dụng tiền vay để đảo nợ dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán. Do đó, áp lực quản trị rủi ro của các CTTC cũng gia tăng. Điều này cũng thể hiện qua việc các CTTC thận trọng trong việc chọn lựa khách hàng cho vay.
Như đa số khách hàng được mời phát hành thẻ tín dụng hay vay tiền mặt của Home Credit đều là những khách hàng có lịch sử giao dịch tốt trước đây. Còn với đơn vị mới như Easy Credit, ứng dụng công nghệ ngay từ giai đoạn thu thập thông tin khách hàng bằng cách đa dạng hóa thông tin khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau, tối ưu hóa hệ thống tính điểm hành vi để việc thẩm định hồ sơ vay được thực hiện một cách tự động xuyên suốt.
Kèm theo đó, công ty liên tục kiểm soát chặt chẽ các quy trình phòng chống gian lận trong suốt hành trình vay của khách hàng với nhiều biện pháp khác nhau.