Không gian văn hóa trên bến dưới thuyền
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, đại diện nhóm nghiên cứu, đưa ra số liệu đánh giá mức độ hài lòng của người dân qua các câu hỏi và tiêu chí về 3 nội dung: đánh giá sau khi chỉnh trang Công viên Bến Bạch Đằng đầu năm 2022; đánh giá ga tàu thủy và tính kết nối với công trường Mê Linh, tượng Đức Thánh Trần; việc nâng cao hiệu quả công tác chỉnh trang Công viên Bến Bạch Đằng - bờ sông Sài Gòn.
Ở tiêu chí 1, qua khảo sát ý kiến, 62% cho rằng, sau chỉnh trang, công viên đẹp, thoáng, sạch sẽ. Đối với tiêu chí 2, 90% cho rằng phù hợp, không cần di dời, vì các công trình hiện hữu tại khu vực này có tính lịch sử, phù hợp với không gian văn hóa và bối cảnh trên bến dưới thuyền. Ở tiêu chí 3, 66% người dân được hỏi cho rằng cần thêm cây xanh và hoa; 41% đề nghị có nhà vệ sinh, 34% nêu ý kiến cần bố trí bãi giữ xe tại khu vực này; 16% đề nghị có cầu, hầm đi bộ nối đường Nguyễn Huệ với Công viên Bến Bạch Đằng.
Theo PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, Công viên Bến Bạch Đằng có một vị trí trung tâm của không gian văn hóa mang đặc trưng của các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa và hiện đại. Tầm nhìn của mọi vấn đề quy hoạch, trong đó có Công viên Bến Bạch Đằng, được xác định đến năm 2035-2045. Vấn đề lớn nhất trong tổng thể quy hoạch mà người dân góp ý đối với việc chỉnh trang, phát triển công viên, phải chăng là xây dựng các thiết chế của một công viên văn hóa bên sông Sài Gòn?
Nói đến công viên là phải có cây xanh, vườn hoa, công trình công cộng, kèm với đó là các thiết chế văn hóa về cơ sở vật chất, kỹ thuật, bộ máy quản lý, hoạt động chuyên môn… “Công viên Bến Bạch Đằng phải gắn kết với các công viên dọc sông Sài Gòn, để tạo thành hệ thống công viên ven sông đẳng cấp của TPHCM”, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng khẳng định.
Phản biện các quan điểm, nội dung đánh giá của nhóm nghiên cứu đưa ra, TS Dương Ngọc Dũng cho rằng, có sự mâu thuẫn khi đưa ra các tiêu chí về tính lịch sử, truyền thống, tính hiện đại, hậu hiện đại… đối với một công viên văn hóa dọc sông Sài Gòn. Còn theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, cần tính toán lại các tiêu chí về vui chơi, khu ẩm thực mà người dân đề nghị gắn với một công viên văn hóa. Ông nói: “Nếu chúng ta không tính kỹ thì sau này, rất có thể ở phía trước tượng đài Đức Thánh Trần sẽ có một quán nhậu.
Cần kết nối công viên sang bên khu vực Bến Nhà Rồng thành một chuỗi các khu vui chơi, ẩm thực. Một vấn đề nữa cần tính đến là tại TPHCM, một đô thị năng động, nhộn nhịp nhất nước, thì Công viên Bến Bạch Đằng phải là không gian chậm, để người dân và du khách tới chiêm ngưỡng, hồi tưởng về những giá trị truyền thống, lịch sử của Sài Gòn 300 năm. Hay công viên cần có một không gian mở, không gian công cộng để mọi người dân đều có quyền được thụ hưởng những giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử theo đặc thù của đô thị vùng đất phương Nam”.
Đánh giá về những giá trị trong kiến trúc đô thị và không gian văn hóa khu vực trung tâm thành phố, TS Trương Hoàng Phương cho rằng, Công viên Bến Bạch Đằng có một vị trí quan trọng, kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, dọc bờ sông Sài Gòn và Bến Nhà Rồng, tạo nên một không gian văn hóa mang đầy đủ tính chất và đặc thù của các giá trị truyền thống, lịch sử với văn hóa, giải trí, thưởng ngoạn khung cảnh bao quát cả vùng trung tâm thành phố qua đến Thủ Thiêm.
Chính vì vậy, việc chỉnh trang, xây dựng công viên thành một công viên văn hóa đẳng cấp phải phù hợp với quy hoạch hai bên sông Sài Gòn và có tính tương tác, kết nối với nhau. Muốn vậy thì ở khu vực đầu đường Nguyễn Huệ ra tới tượng Đức Thánh Trần cần xây dựng tuyến đường hầm cho xe cộ lưu thông ở dưới, để phía trên cho một không gian yên tĩnh, kết nối với các công viên trong khu vực.