Phát biểu tại toạ đàm trực tuyến “Nhận diện Xu hướng và Tiềm năng phát triển Bất động sản hàng hiệu” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày ngày 11-10-2021, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, đã vẽ lại một bức tranh tổng quát về thị trường bất động sản hàng hiệu, vốn chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Cầu cao - cung lại khan hiếm
Cụ thể, theo bà Dung, bất động sản hàng hiệu là bất động sản được quản lý vận hành bởi thương hiệu chuyên nghiệp quốc tế gắn liền với khách sạn 5 sao, mang lại dịch vụ tiện nghi đẳng cấp khác biệt so với các sản phẩm bất động sản khác.
Người mua nhà, sử dụng bất động sản hàng hiệu được trải nghiệm ở tại nhà ấm cúng như nhà của mình mà vẫn sử dụng dịch vụ như khách sạn 5 sao. Sản phẩm này thu hút nhiều quan tâm của người giàu và siêu giàu, đặc biệt tại Việt Nam mô hình này gần như chưa có.
Trên thế giới, mô hình này xuất hiện từ lâu, thậm chí gần 100 năm. Tại thị trường Singapore, Hồng Kông, Thái Lan xuất hiện trên 10-15 năm. Ngay cả 2 năm vừa qua dịch Covid-19 bùng phát song vẫn có những dự án được phát triển tại các quốc gia, thành phố trong khu vực, cho thấy nhu cầu bất động sản kén khách này vẫn còn và bị ảnh hưởng không quá nhiều bởi Covid-19.
Tại Việt Nam, thời điểm hiện tại, nguồn cung bất động sản hàng hiệu hầu như không có trên thị trường. Tương lai thì có nhiều chủ đầu tư đã và đang lên kế hoạch phát triển bất động sản hàng hiệu, có dự án ở vị trí đẹp nhưng thời điểm hiện tại chưa có dự án nào đi vào hoạt động nên nguồn cung không có và khan hiếm.
Còn nhu cầu thì giới giàu ở đâu trên thế giới hay cả Việt Nam đều có nhu cầu hàng hiệu nói chung và bất động sản hàng hiệu nói riêng. Nhu cầu bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam là có, với tốc độ tăng trưởng giới giàu và siêu giàu Việt Nam đạt 36%/năm trong giai đoạn 2020 - 2025.
Cũng theo bà Dung, thực ra không phải dợi đại dịch Covid-19 thì nhu cầu của người mua mới hướng tới sản phẩm đẳng cấp mang lại dịch vụ khác biệt. Ngay cả trước đại dịch, 5 năm trở lại đây, khẩu vị người mua đặc biệt giới giàu và siêu giàu đã thay đổi rồi.
Nhớ lại, bất động sản hàng hiệu có từ lâu, ở những khu nghỉ dưỡng biển, mục đích là mang lại cho người thu nhập cao nhưng có công việc hàng ngày bận rộn, 1 năm 2-4 lần nghỉ dưỡng tại khu này để tái tạo sức lao động, hưởng thụ một cuộc sống khác biệt.
"Ngay từ thời điểm trước khi đại dịch diễn ra, chúng tôi đã ghi nhận nhu cầu rõ rệt của thị trường Việt Nam với mô hình bất động sản hàng hiệu. Đây là một biểu tượng cho địa vị và thành công có giá trị bền vững trước mọi biến cố - vượt xa những xa xỉ phẩm thông thường như túi xách hay xe hơi hàng hiệu.
Nhu cầu này đã được ghi nhận từ trước đó nhưng khi dịch bệnh diễn ra, những biến đổi tâm lý và lối sống đã vô tình làm nổi bật lên những giá trị của phân khúc bất động sản hàng hiệu", ông Gibran Bukhari, Giám đốc khối Kinh doanh Masterise Homes.
Nhưng cuộc sống bận rộn, gần đây với ô nhiễm không khí, môi trường, tiếng ồn trong thành phố ngày càng tạo nên sức ép lớn cho người có điều kiện để hưởng thụ cuộc sống tốt hơn nên nhu cầu đặt ra là mang khu nghỉ dưỡng hàng hiệu đó đặt tại thành phố để ban ngày đi làm, bận rộn đầu tư nhưng tối về tận hưởng cuộc sống tại ngôi nhà của mình để tái tạo sức lao động. Đó là nhu cầu thiết yếu của người thu nhập cao.
Vì sao khan hiếm nguồn cung?
Cơ hội rõ ràng. Vậy có thách thức gì không trong việc phát triển bất động sản hàng hiệu? Theo bà Dung, bao giờ cũng có những khó khăn.
Thứ nhất, đây là mô hình mới, vấn đề là làm thế nào để giới thiệu tới người mua hay người đầu tư tại thị trường Việt Nam? Phải làm sao phát triển nó thành xu hướng bền vững?
Thứ hai, khó khăn mà các quốc gia khác đã trải qua là phát triển sản phẩm thế nào để thực sự mang nghĩa đẳng cấp theo đúng định nghĩa của mô hình đưa ra. Giới đầu tư, đối tượng mà thị trường này đang nhắm tới là người giàu, siêu giàu, họ có yêu cầu cao, khắt khe về chất lượng quy cách sản phẩm đòi hỏi đội ngũ phát triển sản phẩm, thiết kế, xây dựng, đầu tư phải phát triển được sản phẩm hoàn hảo không có lỗi để khiến giới giàu, siêu giàu quay lưng lại.
Thứ ba, cần hiểu rằng nên phát triển ở quy mô nào, định vị giá ra sao cho phù hợp với thị trường? Rất khó để định vị sản phẩm, làm sao biết được quy mô giai đoạn đầu cho hợp lý mà vẫn mang lại hiệu quả tối ưu.
"Khi chúng ta phát triển sản phẩm hàng hiệu thì có yêu cầu khắt khe về chất lượng, quy cách sản phẩm nên phải chọn đối tác quan trọng làm sao kết hợp đưa ra sản phẩm hoàn hảo. Việc này vô cùng khó khăn nên nguồn cung trên thị trường vô cùng khan hiếm", bà Dung nhấn mạnh.
Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới nhu cầu bất động sản hàng hiệu tiếp tục phát triển, và đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu càng bức thiết hơn. Đối với bất động sản đáp ứng được tiêu chí đảm bảo không khí trong lành, an toàn, thông thoáng môi trường xanh - sạch là bảo chứng thu hút người thu nhập cao.
Tất nhiên tiền nào của đấy. Bất động sản hàng hiệu thì chi phí bỏ ra cao, bỏ ra để bảo vệ sức khoẻ, tái tạo sức khoẻ. Nhu cầu đó không mất đi mà tăng theo thời gian.
Khả năng sinh lời của bất động sản hàng hiệu là bao nhiêu?
Vậy giá trị của bất động sản hàng hiệu có giữ được không, liệu có tăng theo thời gian không là nhà đầu tư quan tâm, sản phẩm có tương xứng với giá trị không?
Theo bà Dung, thứ nhất, việc một bất động sản giữ được giá trị phụ thuộc vào đơn vị quản lý vận hành. Sản phẩm nào được quản lý vận hành tốt, bảo trì tốt thì chất lượng không hao mòn mà còn tăng lên. Vai trò của nhà quản lý quan trọng. Bất động sản hàng hiệu được quản lý thương hiệu gắn với khách sạn 5 sao, có nhiều kinh nghiệm quản lý sản phẩm đẳng cấp. Với chất lượng của thương hiệu quản lý quốc tế thì chất lượng sản phẩm được duy trì và tăng theo.
Vị trí thì không có gì bàn cãi. Vị trí khan hiếm, nằm trung tâm hoặc ven sông, ven biển có "view" nước, đẹp, tất cả khiến vị trí của nó là số 1. Thì đương nhiên theo thời gian giá trị tăng lên.
Còn một cái nữa là người mua bất động sản hàng hiệu không chỉ nhắm tới bất động sản mà còn nhắm tới việc trải nghiệm, được cùng trải nghiệm bất động sản đó với cộng đồng tinh hoa của họ, được sống cùng giới đầu tư tinh hoa của họ. Giá trị này vô hình và làm tăng giá trị cho dự án.
Thực tế, tại Băng Cốc, hay Singapore, những sản phẩm bất động sản hàng hiệu được chào bán giá top thị trường, người mua thời gian đầu dè dặt, nhưng sau 10 năm mức tăng trưởng về giá rất tốt. Nghiên cứu những năm gần đây, bất động sản hàng hiệu có sự tăng giá 20-30% trong vòng 5 năm.
Tóm lại, tuỳ thương hiệu quản lý, vị trí và sự tăng giá của bất động sản hàng hiệu là có. Thị trường Việt Nam nằm trong khu vực chứng kiến sự tăng trưởng về giá bất động sản hàng hiệu trong thời gian tới.