Covid-19 làm gia tăng tự tử tại Nhật Bản

(ĐTTCO) - Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) vừa đưa ra kết quả tỷ lệ tự tử gia tăng tương ứng số người thất nghiệp nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, khiến tình trạng thất nghiệp nếu cứ tăng 1% sẽ khiến thêm 2.400 vụ tự tử ở đất nước Mặt trời mọc.
Theo mô hình dự đoán kể trên, nếu khống chế được Covid-19 trong năm nay, nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản đạt đỉnh vào tháng 3-2021, lên mức 6%, sẽ khiến số vụ tự tử ở nước này ước lên đến 34.000 vụ. Nếu đại dịch kéo dài trong 2 năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 8% vào tháng 3-2022, nước Nhật sẽ đau buồn chứng kiến tới hơn 39.000 vụ tự tử. 
Những dự đoán lạnh người trên khiến nhiều người giật mình. Các nhân viên y tế lo ngại cú sốc kinh tế gây ra bởi đại dịch sẽ đưa Nhật Bản trở lại thời kỳ 14 năm đen tối (1998-2012). Lúc bấy giờ, mỗi năm có đến hơn 30.000 người Nhật tự tìm đến cái chết. Mặc dù vẫn là quốc gia có tỷ lệ tự sát cao nhất trong số các nước G7, song nhờ những nỗ lực bền bỉ của chính phủ và các tổ chức xã hội, con số nghiệt ngã này ở Nhật Bản đã giảm dần xuống chỉ còn hơn 20.000 người vào năm 2019.
Nhưng giờ đây, lo lắng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ làm đảo ngược xu hướng giảm đó, các nhân viên y tế và nhà hoạt động xã hội đang hối thúc chính phủ Nhật Bản tăng cường viện trợ tài chính cũng như hỗ trợ thiết thực trên nhiều phương diện. "Cần phải làm nhiều việc ngay từ bây giờ, trước khi làn sóng chết chóc bùng phát trở lại" - ông Hisao Sato, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ tư vấn và tư vấn kinh tế ở Akita nói. Akita là một tỉnh phía Bắc nổi tiếng với tỷ lệ tự tử cao nhất nước Nhật.
Trên thực tế, các vụ tự tử ở Nhật Bản đã giảm 20% so với cùng kỳ vào tháng 4 - tháng đầu tiên nước này áp dụng lệnh cách ly xã hội. Nhưng ông Sato cho rằng đó chỉ là “sự yên tĩnh trước cơn bão, vì những đám mây đen vẫn cuối chân trời”. Bên cạnh đó, có một hiện tượng đáng chú ý được giới nghiên cứu ghi nhận là những vụ tự tử thường giảm ngay trong thời kỳ diễn ra khủng hoảng, nhưng rồi sau đó sẽ bật tăng mạnh.
Minh chứng là hiện tượng xảy ra năm 1998 do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. Lúc bấy giờ, số vụ tự tử hàng năm ở Nhật lần đầu tiên chạm mức trên 30.000 người và tiếp tục tăng đến đỉnh điểm gần 34.500 vụ vào năm 2003. Điều đáng buồn này không khó hiểu.
Bởi vì như sức khỏe là lý do hàng đầu, thì tình hình kinh tế tồi tệ chính là lý do quan trọng thứ hai của các vụ tự tử, theo dữ liệu của cảnh sát năm 2019. Nguồn tư liệu này cũng cho thấy đàn ông có khả năng tự sát cao gấp 3 lần so với phụ nữ, và hầu hết các trường hợp thường tự tử ở độ tuổi 40-60.
Để an ủi những tâm hồn mong manh đang đứng giữa hai dòng nước xiết, Trung tâm đường dây nóng chuyên về tư vấn, cảnh báo các vụ tự tử Tokyo Befrienders ra đời. Theo các phóng viên của Reuters, chuông điện thoại tại đường dây này đổ không ngớt ngay từ khi nó bắt đầu được mở ra cho đến khi tình nguyện viên chịu trách nhiệm tiếp nhận các cuộc gọi đóng máy lại.
Một tình nguyện viên mỗi ngày trong tuần cho công việc này rõ ràng là không đủ để đáp ứng nhu cầu lắng nghe, thấu hiểu và được an ủi của hàng trăm người tuyệt vọng đang khao khát được chia sẻ. Không những thế, nếu như trước đây có tới 4 tình nguyện viên thực hiện công việc này, giờ đây do lệnh cách ly xã hội, chỉ còn lại 1 người. Việc quá tải và mệt mỏi là không tránh khỏi. 
Một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản phụ trách về vấn đề tự tử cho biết, bộ này đã đề xuất được bố trí thêm ngân sách từ gói hỗ trợ trị giá 1.100 tỷ USD để phát triển các giải pháp thích hợp, trong đó có mở thêm đường dây nóng, nhưng “cũng có những giới hạn nhất định”. Do đó, những nỗ lực của địa phương, các tổ chức xã hội vẫn là vô cùng thiết yếu. 

Các tin khác