Kỳ vọng lên sàn
Thời điểm này cách đây 1 năm, nhóm CP NH trên thị trường OTC phần lớn được giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí nhiều CP giao dịch dưới 5.000 đồng/CP. Đơn cử, NHTMCP Đông Á (DongABank) 2.500 đồng/CP, NHTMCP Việt Á (VietABank) 3.000 đồng/CP, NHTMCP Đại chúng (PVcomBank) 4.000 đồng/CP, NHTMCP Bảo Việt (BaoVietBank) 4.500 đồng/CP. Nguyên nhân khiến CP NH giao dịch ở mức giá thấp do các chỉ số tài chính của các NH có quá nhiều vấn đề. Dù các con số trên sổ sách của nhiều NH rất đẹp, nhưng thực tế chất lượng tài sản chưa cao, nợ xấu có xu hướng tăng và chưa được xử lý ổn thỏa. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của một số NH trên sổ sách rất cao nhưng chưa thực sự tin cậy. Đặc biệt, nếu áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, hệ số CAR của nhiều NH trong năm 2020 có thể ở dưới 8%. Trong khi đó, việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng nợ xấu của một số NH còn nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhóm CP NH trên thị trường OTC bật tăng mạnh khi hạn chót của quy định bắt buộc các NHTMCP niêm yết CP trên sàn CK cuối năm 2020 đang ở rất gần. Trên sàn OTC, nhóm CP NH được giao dịch với số lượng lớn và mức giá chào bán cũng cao chót vót. Như NHTMCP Phương Đông (OCB) có thời điểm giao dịch trên mốc 20.000 đồng/CP, NHTMCP Hàng hải (MSBank) hơn 14.000 đồng/CP, NHTMCP An Bình (ABBank) hơn 13.000 đồng/CP, NHTMCP Đông Nam Á (SEABank) hơn 14.000 đồng/CP, NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) 13.000 đồng/CP. Các NH từng giao dịch với mức giá “bèo” cũng tăng mạnh với thông tin CP sắp niêm yết như VietABank hiện giao dịch ở mức 6.000 đồng/CP (tăng 100%).
Giảm về giá trị thật
Ngày 15-10, NHTMCP Sài Gòn Công thương (SGB) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu 25.800 đồng/CP, đã gây ngỡ ngàng cho giới đầu tư, bởi SGB chỉ có vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng, nằm ở nhóm thấp nhất trong hệ thống NH. Từ năm 2014, SGB đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Kết quả kinh doanh (KQKD), lợi nhuận trong 5 năm trở lại đây của SGB cũng đáng thất vọng. Sau giai đoạn 2010-2015 tăng trưởng âm do tỷ lệ nợ xấu cao, đến năm 2016 SGB ghi nhận lợi nhuận tăng vọt lên 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2017 bất ngờ giảm chỉ còn 55 tỷ đồng và 41 tỷ đồng năm 2018. Năm 2019, lợi nhuận của SGB đạt 144 tỷ đồng và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 là 125 tỷ đồng (tăng 42% và hoàn thành 92% kế hoạch năm). Dù vậy KQKD của các hoạt động chính yếu lại giảm sút, như thu nhập lãi thuần giảm 2%, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 20%.
Việc định giá quá cao so với tình hình nội tại khiến SGB có phiên chào sân “kinh hoàng” nhất trên sàn UPCoM. Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tiên SGB bị bán ra mạnh và giảm hết biên độ 40%, xuống chỉ còn 15.500 đồng/CP. Đáng chú ý, ngay sau khi niêm yết, 2 cổ đông nội bộ cùng nắm giữ ghế Phó Tổng giám đốc là ông Nguyễn Ngọc Lũy và ông Phạm Hoàng Hồng Thịnh, đăng ký bán ra toàn bộ số CP đang nắm giữ. Động thái này càng làm giới đầu tư thêm nghi ngờ về việc định giá CP quá cao để trục lợi. Đó là việc, trước khi có thông tin niêm yết, SGB giao dịch trên thị trường OTC ở mức trên 10.000 đồng/CP, sau đó tăng vọt lên 20.000 đồng/CP khi thông tin CP sắp lên sàn. Theo giới đầu tư, SGB hiện đang giao dịch ở mức giá 13.000 đồng/CP và đây là giá trị thật của NH này.
Cẩn trọng sóng niêm yết
Cẩn trọng sóng niêm yết
Ngày 8-10 HOSE thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 876,7 triệu CP của OCB. Thông tin này khiến giá CP OCB được đẩy lên vượt mốc 20.000 đồng/CP và trở thành CP NH có giá cao nhất trên thị trường OTC. Điều đáng nói, kế hoạch niêm yết CP đã được HĐQT của OCB đặt ra từ cách đây 2 năm nhưng liên tục bị trì hoãn vì nhiều lý do. Tại ĐHCĐ 2020, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, thừa nhận chủ trương của NH niêm yết càng sớm càng tốt, nhằm nâng tính thanh khoản cho cổ phần, minh bạch hoạt động. Tuy nhiên, nếu thị trường không thuận lợi, việc niêm yết sẽ khó đem lại lợi ích cho cổ đông nếu giá CP thấp. Vì vậy, HĐQT OCB muốn chọn thời điểm thị trường thuận lợi niêm yết để đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Phát biểu của lãnh đạo cao nhất NH này cho thấy việc niêm yết CP là việc làm “chẳng đặng đừng”, nhất là trong bối cảnh TTCK liên tục giảm thời gian gần đây. Song OCB sẽ không còn đường lùi vì theo Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, các NHTMCP sẽ phải niêm yết, đăng ký giao dịch CP trên thị trường chính thức (HOSE, HNX và UPCoM) trong năm 2020. Nếu buộc phải niêm yết ngay trong năm nay, mức giá chào sàn của OCB chắc chắn không thấp hơn 2.0, thậm chí có thể lên đến 3.0. Với mức định giá quá cao này, nhiều khả năng OCB sẽ bị cổ đông bán chốt lời, đẩy CP lao dốc như trường hợp của SGB.
Tương tự, MSBank cũng nhiều lần trì hoãn niêm yết với lý do thị trường không thuận lợi. Cuối năm 2019, NH này đã nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE nhưng sau đó gác vì lý do này. Theo giải trình của HĐQT, thị trường trong quý đầu năm 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nếu niêm yết sẽ gây tổn thất cho cổ đông, do mức định giá khi niêm yết thấp hơn giá trị nội tại. Ý kiến này khiến nhiều cổ đông MSBank bức xúc bởi thị trường không quá khó như nhận định của HĐQT. Như vậy, với việc hoàn tất nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE, việc lên sàn của MSBank trong năm 2020 chỉ là vấn đề thời gian. Vấn đề được NĐT quan tâm giá chào sàn của MSBank là bao nhiêu khi giá CP trên OTC hiện đã xấp xỉ 15.000 đồng/CP.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài những NH đã hoàn tất hồ sơ niêm yết như OCB, MSBank hay NHTMCP Nam Á (NamABank)… những NH còn lại vẫn chưa có dấu hiệu sẽ đưa CP lên sàn trong những tháng cuối năm. Điều này cho thấy, việc đầu tư đón sóng CP NH trên thị trường OTC đang rất rủi ro. Thực tế, ngoài rủi ro về giá, NĐT đua lệnh mua với số lượng lớn nhiều khả năng sẽ không đẩy được nếu CP không có thanh khoản. Đơn cử, trường hợp NHTMCP Bắc Á (BAB) đang niêm yết trên UPCoM thường xuyên rơi vào tình trạng mất thanh khoản do không có người mua.
Thông thường, giá CP trên thị trường OTC được các NH lấy làm cơ sở để định giá khi niêm yết. Trong bối cảnh giá CP tăng mạnh trước khi niêm yết, mức định giá các NH đưa ra cũng tăng theo, bất chấp tình hình kinh doanh đang hết sức khó khăn. |