Tách MobiFone và tiến hành cổ phần hóa dường như là đáp áp đã được chọn cho bài toán tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT). Câu chuyện những người quan tâm đến thị trường viễn thông chờ đợi bây giờ là việc “ra riêng” của MobiFone sẽ diễn tiến như thế nào và thị trường viễn thông di động sẽ biến đổi ra sao.
Thiệt đơn thiệt kép
Từ 10 năm nay, cổ phần hóa MobiFone đã trở thành câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” trên thị trường viễn thông di động. Năm 2005, doanh nghiệp này đã được phép cổ phần hóa, nhưng từ đó cho đến nay, dù đã trải qua nhiều lần “lấy đà dậm nhảy”, việc này vẫn gần như dậm chân tại chỗ với nhiều phương án được nâng lên rồi lại đặt xuống.
![]() |
Ảnh minh họa: VIỆT DŨNG |
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia viễn thông, đến thời điểm này không nên chần chừ, trì hoãn thêm nữa. “Một thị trường viễn thông tốt nhất chỉ cần 1 doanh nghiệp của Nhà nước, còn 2, 3 doanh nghiệp khác Nhà nước chỉ cần có cổ phần, hoặc tư nhân là chính, kể cả người nước ngoài.
Khi đó thị trường mới cạnh tranh lành mạnh, mới đua nhau về năng suất, năng lực thực sự” - TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông), chia sẻ.
Trên thực tế, dù thị trường viễn thông thời điểm này đã tốt hơn trước rất nhiều, đồng thời đã có sự cạnh tranh, tuy nhiên với khoảng 95% thị phần do các doanh nghiệp nhà nước là Viettel, MobiFone và VinaPhone nắm giữ, việc cạnh tranh này gần như chỉ mang tính chất nội bộ của “1 gia đình”.
Điều này thể hiện rõ trong thực tế khi sức ì trên thị trường viễn thông vẫn còn rất lớn, cơ hội dành cho các mạng viễn thông nhỏ gần như không có. Tốc độ phát triển của những doanh nghiệp liên quan như MobiFone hay VNPT cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi không thể ra những chính sách quan trọng bởi trạng thái chờ nhập - tách.
Bên cạnh đó, bài toán cổ phần hóa cũng cần phải coi trọng tính thời điểm. Khi doanh nghiệp viễn thông đang trong giai đoạn phát triển tốt, lợi nhuận cao, khi tiến hành cổ phần hóa giá trị cổ phiếu càng có giá trị. Xét về lợi ích kinh tế, điều này sẽ có lợi cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Ngược lại nếu trì hoãn cổ phần hóa, đến khi thị trường viễn thông đã bão hòa, viễn cảnh “trâu chậm uống nước đục” sẽ diễn ra. Ngoài việc giá trị cổ phiếu của nhà mạng suy giảm, việc trì hoãn cổ phần hóa quá lâu sẽ làm giảm bớt sự quan tâm của nhà đầu tư, dẫn đến khó khăn trong việc tìm được đối tác tốt, chưa kể giá trị tiềm năng của doanh nghiệp viễn thông cũng mất theo.
Câu chuyện “luôn và ngay” trong việc cổ phần hóa MobiFone đang là vấn đề nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn thay vì tình trạng chờ đợi mỏi mòn như hiện nay. Theo ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT, kiêm Chủ tịch HĐTV MobiFone, nội bộ những người liên quan bị chi phối, như VNPT, MobiFone… rất muốn cổ phần hóa nhanh, vì nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến điều hành sản xuất kinh doanh.
Lực đẩy tốt
Trên thị trường viễn thông hiện nay, về dịch vụ điện thoại di động, Viettel vẫn chiếm thị phần cao nhất với 40,05%, MobiFone giữ vị trí số 2 với 21,4%, theo sát là VinaPhone 19,88%. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa MobiFone, cục diện này sẽ có sự thay đổi rõ rệt.
Nhiều người đã liên hệ đến sự phát triển tốt của bưu chính (VietnamPost) sau khi tách khỏi VNPT, đã cho rằng MobiFone sẽ sớm thay đổi lại thị phần trên sau khi đứng ra độc lập, có sự tham gia của những đối tác giàu kinh nghiệm, mạnh về vốn, công nghệ, quản trị từ nước ngoài, chưa kể bản thân doanh nghiệp cũng rất có thực lực. Khi MobiFone phát triển cũng đồng thời tạo ra áp lực, động lực cạnh tranh thực sự cho cả VNPT và Viettel, buộc doanh nghiệp này phải liên tục thay đổi để tồn tại.
Từ đó sẽ có nhiều khoảng trống cho doanh nghiệp viễn thông nhỏ phát triển thay vì phải lay lắt trong miếng bánh thị phần quá eo hẹp. Người tiêu dùng cũng sẽ được lợi khi các nhà mạng không còn giống nhau về chính sách như hiện nay khi tạo ra sự khác biệt, mở rộng đa dạng dịch vụ để thu hút khách hàng. Theo TS. Mai Liêm Trực, việc tách MobiFone sẽ tạo động lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp còn lại trong ngành. Thị trường viễn thông Việt Nam nhờ vậy sẽ sôi động và vận hành hiệu quả hơn.
Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2014 tại MobiFone, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết sau khi hoàn thành việc tách MobiFone sẽ thực hiện cổ phần hóa mạng di động này theo hướng Nhà nước giữ 75% vốn, 25% còn lại kêu gọi đầu tư.
Quá trình thực hiện cổ phần hóa có thể hoàn thành chậm nhất vào đầu năm 2016. Liệu lần này MobiFone có đúng hẹn trong cuộc đua cổ phần hóa của chính mình, hay câu chuyện lại tiếp tục diễn tiến như 10 năm qua?