Báo cáo cho biết, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2020 (CPI) tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, dù giá xăng dầu trong nước liên tiếp được điều chỉnh giảm sâu trong thời gian dịch Covid-19. Giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp, giá thịt lợn tiếp tục tăng cao là các yếu tố làm cho chỉ số CPI cả nước tháng 6-2020 tăng 0,66% so với tháng trước. Trong đó, CPI khu vực thành thị tăng 3,76%, khu vực nông thôn tăng 4,61%. Trong nhóm hàng làm tăng CPI, tác động lớn nhất là giá thịt lợn.
Trong khi đó, các yếu tố kìm bớt đà tăng CPI trong 6 tháng qua là do giá gạo giảm 0,45% so với tháng trước vì vụ lúa Đông Xuân năm 2020 cả nước cơ bản đã thu hoạch xong, sản lượng thu hoạch lớn. Ngoài ra, giá các mặt hàng thủy hải sản tươi sống giảm 0,52% so với tháng trước do chi phí đầu vào giảm và nhiều mặt hàng cho thu hoạch tốt. Mức CPI đã kéo theo lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 (quý II-2020 ước tính tăng 0,36%).
Nguyên nhân của sự giảm đà tăng trưởng kinh tế là do 6 tháng đầu năm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó, thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô giảm mạnh do nhu cầu sử dụng hạn chế, thất nghiệp tăng cao… đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.
Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).