Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, do tình hình giá cả ngay từ đầu năm đã có nhiều diễn biến mới, phức tạp, nên Chính phủ triệu tập họp Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình điều hành giá ngay từ đầu năm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Thông tin tại cuộc họp cho thấy, giá hàng hóa trong dịp tết dồi dào, không có sốt hàng, tăng giá nhưng đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2020 tăng khá cao (1,23%) so với tháng 12-2019. Nguyên nhân chính là mặt hàng thịt heo, tuy nguồn cung đủ và giá bán không còn ở mức đột biến như thời gian trước, nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao (80.000 - 86.000 đồng/kg hơi) như trước tết, tác động không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường. Giá thịt heo hơi hiện nay vẫn giữ ở mức cao hơn 8,29% so với tháng 12-2019.
Thông tin do Bộ NN-PTNT cung cấp cho thấy, hiện nay có 19 tỉnh, thành phố hoàn toàn hết dịch tả heo châu Phi; 37 tỉnh có 85% xã phường không xuất hiện dịch qua 30 ngày. Tới hết tháng 1 này, thực tế cả nước chỉ tiêu hủy 11.845 con heo, giảm 99% so với tháng 5-2019. Đây là điều kiện tốt để doanh nghiệp, người nuôi tái đàn. Lượng heo xuất chuồng trong tháng 2 và tháng 3 sẽ tăng lên so với tháng 1. Đồng thời, Bộ Công thương đã xúc tiến các thị trường nhập khẩu thịt heo để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện TP Hà Nội và TPHCM cũng cho rằng nguồn cung thịt heo không thiếu trong thời gian qua. Trước bối cảnh dịch cúm nCoV dẫn đến việc hạn chế giao thương, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ chỉ đạo việc chế biến sâu, điều chỉnh nguồn hàng, tăng cường sản phẩm thay thế; xúc tiến thị trường xuất khẩu nông sản tới Nga, Mỹ và Brazil trong 3 tháng tiếp theo.
Bên cạnh đó, dịch nCoV xuất hiện tác động tới tình hình kinh tế giá cả thế giới. Giá khẩu trang, nước rửa tay trong phòng dịch nCoV tăng đột biến do nhu cầu tăng, có đầu cơ. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế Lê Thành Công cho biết, cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát Tết Nguyên đán; có đơn vị ở Trung Quốc đề nghị nhập khẩu khẩu trang từ Việt Nam.
Về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng sẽ khó khăn. Khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng mặt hàng này phải niêm yết giá. Không niêm yết bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn, từ 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá cả trong tháng đầu năm 2020 có yếu tố “bình thường và bất thường”. Bình thường là giá tăng vào dịp cuối năm, nhưng bất thường là CPI cao nhất trong 7 năm qua, tính cả so sánh với tháng 1 cùng kỳ năm trước và tháng 12 liền kề trước đó. Nếu không triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo để điều hành mặt bằng giá giảm ngay (theo các chỉ tiêu định sẵn) trong tháng 2 và tháng 3 thì điều hành CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tình hình mới đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát lạm phát theo kịch bản từ đầu năm và cả năm 2020. Bộ Công thương sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu. Đối với nhóm hàng thực phẩm, nhất là đối với thịt heo, Bộ NN-TNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức quyết liệt các giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt heo.
“Quyết tâm làm tốt các biện pháp điều hành cung - cầu, bảo đảm lợi ích các bên, giúp giá thịt heo hơi giảm 10% trong tháng 2 và tiếp tục giảm trong tháng 3 về mức 60.000 - 65.000 đồng/kg hơi, và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000 - 50.000 đồng/kg hơi, mức bình thường trước khi có dịch”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo. Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ tình trạng tại sao giá thành thấp mà giá bán lại vẫn cao như hiện nay; không thiếu thịt heo mà giá không xuống.
Phó Thủ tướng giao quản lý thị trường, thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.