Các CTCK một mặt đang cạnh tranh với nhau nhưng mặt khác lại… bắt chước nhau. Rất ít CTCK có được “vũ khí” đặc biệt để khắc chế đối thủ và bảo đảm vị thế của mình.
Cũ người, mới ta
Trở về với thời điểm năm 2008, khi đó nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin) chưa được luật hóa như hiện giờ, CTCK nào triển khai xem như làm chui, mà khi bị phát hiện sẽ lãnh án phạt. Tháng 10 năm đó, sự việc CTCK A. bị phạt vì đã cho khách hàng của mình đặt lệnh mua khi tài khoản không đủ tiền đã thu hút sự chú ý, trong đó có các đối thủ của A.
Theo như lời kể của một người đã làm việc tại CTCK A. sau biến cố này, công ty có phần “chùn tay” trong việc “bảo lãnh chìm”, nhưng một CTCK khác đã cắt cử nhân viên sang tận sàn của CTCK A. nhằm lôi kéo khách hàng với những điều kiện bảo lãnh tương đương.
![]() |
NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH |
Trong khoảng nửa năm gần đây, CTCK VPBank (VPBS) và CTCK FLC (FLCS) tạo ra hình ảnh khá tích cực trên TTCK, khi có những hoạt động thu hút sự chú ý của các NĐT lẫn… đối thủ của mình. Mới đây, khi đến dự hội thảo do VPBS tổ chức, dân chứng khoán đã nhận ra khá nhiều gương mặt thân quen trong đội ngũ nhân viên của công ty.
Quen mặt vì đây là những người đã có thâm niên công tác tại các CTCK như Kim Eng, Dầu Khí, Thăng Long (giờ là MBS)… Cuối năm ngoái, thị trường còn rộ lên tin đồn VPBS đã chiêu mộ được một đội ngũ nhân viên chủ chốt của một CTCK lớn và điểm khá thú vị là CTCK bị mất người cũng chính là đối thủ năm xưa đã giành khách hàng của CTCK A.
Hiện tượng CTCK này “rút ruột” khách hàng, nhân sự của CTCK khác sau lại bị CTCK làm như vậy là phổ biến. Do chính sách của nhiều CTCK đối với nhân viên môi giới như nhau, nên chỉ cần nơi nào có điều kiện làm việc tốt hơn, quyền lợi nhiều hơn, sức ép giảm đôi chút là việc thu hút những nhân viên giỏi cũng không quá khó.
Sản phẩm không “độc”
Theo đánh giá của một số NĐT, VPBS hiện đang là một trong những CTCK có lãi suất margin hấp dẫn nhất và đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của công ty. Nhưng chỉ riêng lợi thế này thì không dễ để VPBS kéo khách hàng từ các CTCK có thị phần lớn nhất như SSI hay HSC. Nói một cách đơn giản, NĐT gắn bó với CTCK vì nhiều lý do khác nhau chứ không chỉ vì chuyện đắt hay rẻ của một vài sản phẩm.
VPBS là một CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau và hiện cũng có một số CTCK có xuất phát điểm và vị thế giống VPBS như CTCK Đông Á (DAS), VietinBankSC (CTS), VCBS, BSC... Những đối thủ của VPBS hoàn toàn đủ khả năng ra đòn tương tự VPBS nhưng với cường độ mạnh hơn. Lấy thí dụ trường hợp DAS, trong khoảng 2 năm vừa qua nhờ những chính sách rất hấp dẫn nên công ty thu hút được nhiều nhân viên môi giới có kinh nghiệm và gia tăng thị phần của mình.
Giả sử DAS “tung chiêu” mạnh hơn nữa thì VPBS, muốn đấu lại cũng rất căng thẳng. Chưa kể, chỉ cần những ông lớn như SSI, HSC khi nhận thấy sự đe dọa từ VPBS sẽ lập tức hạ lãi suất margin về mức tương đương VPBS đương nhiên công ty này sẽ gặp không ít bất lợi.
Hình ảnh của FLCS gần đây thu hút khá nhiều sự chú ý. Sàn chứng khoán của FLCS thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, công ty đặt chi nhánh của mình ngay tại đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM - nơi được xem là Phố Wall của Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, FLCS tổ chức buổi hội thảo khá hoành tráng, thu hút được sự chú ý của NĐT. Nhưng đối với nhiều người, nhất là những NĐT tại TPHCM, những động thái của FLCS như vậy là chưa đủ. Ngay trên con đường Nguyễn Công Trứ có đến hàng chục CTCK, về mặt cảm tính mà nói những CTCK này đều “quen mặt” với NĐT hơn là FLCS.
Không thể nói FLCS làm chưa tốt, nhưng những gì mà CTCK này làm chưa có nhiều điểm độc đáo. Đơn cử như việc FLCS cung cấp các bản tin chứng khoán cho khách hàng, hiện cũng không nhiều CTCK làm điều này. Nhưng bản tin của FLCS so với các bản tin của HSC, Rồng Việt, BSC… không nổi trội hơn.
Tính đến giờ phút này, lĩnh vực tập trung nhiều CTCK chiến đấu với nhau nhất chính là môi giới. Đồng ý rằng, đây là nghiệp vụ cốt lõi của các CTCK nên việc tập trung là đúng đắn. Nhưng cũng có thể đặt vấn đề rằng, phải chăng vì những “công thức” từ những CTCK đầu tiên thực hiện và đến giờ vẫn vậy, tức là không khó để sao chép nên mới kéo theo nhiều “người chơi” như vậy?