Hiện tại, CTCK đang có khá nhiều cách thức để xử lý tài khoản margin. Nhưng khi TTCK lao dốc hay CP nào đó có, thường chỉ có 1 cách duy nhất và ngay lập tức: đó là bán giải chấp CP.
Loạn thời điểm
Khi CTCK X công bố cắt marin CP A nào đó, những NĐT đang nắm giữ CP A (trong đó có sử dụng margin) sẽ phải lựa chọn: Bán ra (xóa nợ) hoặc đóng thêm tiền (trả nợ) vào tài khoản margin cho CTCK, hoặc đồng thời thực hiện cả 2. Thời gian để NĐT xử lý margin thường dao động trong khoảng từ 2-5 phiên giao dịch.
Cũng có CTCK quy định nâng hạn mức ký quỹ lên từng bậc và áp thời gian, chẳng hạn mỗi khi tăng 5% cho NĐT khoảng 1 tuần để xoay sở. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ ký quỹ ban đầu khi sử dụng margin không được thấp hơn 60% và tỷ lệ duy trì không dưới 40%, vì vậy có CTCK “áp” luôn khung thời gian để xử lý trạng thái khi tỷ lệ này lui về các mức 50% hay 40%.
HNX vừa thông báo PVX (Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam) sẽ không được giao dịch ký quỹ kể từ 12-9 tới đây, với lý do lợi nhuận sau thuế hợp nhất và công ty mẹ bị âm trong BCTC bán niên đã được soát xét. Không hẹn mà gặp, thời hạn xử lý margin liên quan đến PVX của tất cả CTCK đều phải thực hiện trước ngày 12-9.
PVX là CP có tính thanh khoản lớn nhất HNX, kèm theo việc cũng có những đợt sóng mạnh trong lịch sử giá, vì vậy được nhiều người ưa chuộng và sử dụng margin.
Do vậy, nếu PVX bị giải chấp dẫn đến giảm giá, HNX Index cũng bị tác động và tâm lý chung trên TTCK sẽ ảnh hưởng. Hiện tại có 2 luồng quan điểm liên quan đến biến cố này, một số người cho rằng những tồn tại của PVX không phải bây giờ thị trường mới thấy nên đã được phản ánh vào giá trong thời gian qua. Vì vậy, PVX bị cắt margin có thể chỉ tạo ra ảnh hưởng nhất thời.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không phải CTCK nào cũng nhìn xa trông rộng hay tự giác như vậy, bởi lẽ hạn chế margin càng sớm, thì nguồn thu càng ảnh hưởng, chưa kể còn bị đánh giá là “chơi trội”. Từ giả thiết này, có thể thấy rằng khoảng thời gian từ khi thông báo cắt margin đối với PVX của HNX xuất hiện (ngày 11-9) cho đến lúc các CTCK phải thực thi (ngày 12-9) là quá ngắn để các CTCK có thể hoàn tất quá trình xử lý của mình. Điều này có thể khiến CTCK chạy thục mạng để giải chấp.
Cắt không cần lý do
Cuối tháng 8, một số CTCK công bố cắt margin một số CP, nhưng lại không nêu rõ lý do, sau đó lại cho phép sử dụng margin trở lại. Nhưng lý do vì sao cắt margin và vì sao cho phép sử dụng lại không được công bố một cách rõ ràng, điều này đã gây ra nhiều sự đồn đoán trên thị trường. Dễ hiểu, khi CTCK công bố cắt margin CP mà không nói rõ lý do, lập tức NĐT sẽ suy đoán rằng CP này “có chuyện”.
CTCK cũng có lý do để nói rằng, khi nghi ngờ những CP có khả năng tạo ra rủi ro thì họ có quyền thực hiện những động thái không trái pháp luật để bảo vệ nguồn vốn của mình. Ở đây, trong trường hợp nếu CP bị “nghi oan”, dẫn đến việc CTCK cắt margin vô lý và giảm mạnh, rõ ràng CTCK đã vô tình “đánh xuống” CP làm ảnh hưởng đến NĐT.
Đã từng xảy ra nhiều trường hợp, NĐT sau khi xử lý tài khoản margin của mình giá CP lại tăng trở lại. Nên chăng, cần có những quy định buộc các CTCK phải công bố chi tiết lý do liên quan động thái cắt margin của mình.
NĐT phải chịu rủi ro từ việc CTCK cắt magin đột ngột. Ảnh: LÃ ANH |
Nhiều NĐT cảm nhận về sự “giật cục” nào đó trong việc xử lý margin của cơ quan quản lý lẫn các CTCK. Cũng phải nói thêm rằng, việc thay đổi từ “cắt” rồi lại “mở” ngay trở lại sau đó cho thấy sự thiếu nhất quán có thể do tâm lý kém, nhận định sai và một nguyên nhân “ngoài luồng” khác.
Thực tế, nếu CTCK duy trì tỷ lệ ký quỹ khi NĐT sử dụng margin vào khoảng 50-60% như quy định và có chọn lọc, thì việc giải chấp (nếu có) cũng không đến mức độ “hoảng hốt” như vậy.
Lâu nay, thị trường vẫn râm ran về việc nhiều CTCK lách luật, hạ tỷ lệ ký quỹ chỉ còn khoảng 30%, thậm chí thấp hơn, với tỷ lệ này chỉ cần CP “rung lắc” 1-2 phiên với thanh khoản kém là CTCK đã phải tính ngay đến việc cắt margin hay giải chấp. Như vậy, khoan kỳ vọng về một cách xử lý có tính chất chiến lược, hợp lý vì đó là chuyện lâu dài, mà chỉ cần các cơ quan quản lý “siết” chặt hoạt động margin một cách lành mạnh nhất.
Một nhân viên môi giới nhiều kinh nghiệm chia sẻ, hợp đồng sử dụng margin của NĐT ký với CTCK thường được “cài cắm” rất nhiều chi tiết để việc cắt margin được hợp lý hóa đến mức tối đa. Vì vậy, khi CTCK cắt đột ngột, NĐT thường phải chịu.
Như vậy ngoài áp lực đòn bẩy tài chính đơn thuần, NĐT còn phải chịu thêm rủi ro từ việc CTCK có thể cắt margin đột ngột. Khi CTCK triển khai margin, thì tất nhiên CTCK cũng phải gánh chịu rủi ro, nhưng với cách cắt giảm đột ngột, thì CTCK đã đẩy luôn cả rủi ro của mình sang cho NĐT, đó là điều không hợp lý.