CTCK: Muốn đột phá phải M&A?

(ĐTTCO) - Thị phần môi giới đang ngày một chật chội và bão hòa đã buộc các CTCK phải tìm kiếm những giải pháp đột phá nhằm củng cố năng lực cạnh tranh của mình. Và một trong số các giải pháp có thể tính đến là mua bán-sáp nhập (M&A).

(ĐTTCO) - Thị phần môi giới đang ngày một chật chội và bão hòa đã buộc các CTCK phải tìm kiếm những giải pháp đột phá nhằm củng cố năng lực cạnh tranh của mình. Và một trong số các giải pháp có thể tính đến là mua bán-sáp nhập (M&A).

Tự thân vận động không dễ

Trước khi tiến hành giải thể, CTCK Kim Long (KLS) đã có phương án sáp nhập với CTCK Sài Gòn (SSI) nhưng bất thành. Kinh doanh bế tắc nên rõ ràng một thương vụ M&A với CTCK dẫn đầu thị trường sẽ tốt cho KLS, nhưng nhìn ngược lại KLS cũng có những ưu điểm để được SSI lựa chọn, chẳng hạn khoản tiền mặt lớn KLS đang sở hữu. Và khi SSI có nhu cầu M&A cũng không loại trừ khả năng những CTCK còn lại cũng có nhu cầu như vậy. Nếu các CTCK ở tốp trên (với số lượng khoảng 20 CTCK) có tiến hành M&A, đối tượng được lựa chọn sẽ phải ở tầm mức ngang ngửa, cùng cấp chứ không lựa chọn một CTCK nhỏ, chết lâm sàng. CTCK nhỏ M&A với nhau hoặc với CTCK lớn để tìm đường sống, còn CTCK lớn nếu có M&A với nhau lại là cơ hội để tạo ra sự phát triển vượt bậc.  

Nếu xem CK là một ngành dịch vụ, hay ngành bán lẻ các sản phẩm tài chính, rõ ràng xu hướng M&A giống như các ngành dịch vụ, phân phối khác là không tránh khỏi. Mạnh hơn để tồn tại, và M&A rõ ràng là một giải pháp ngắn nhất. Dù vậy, khả năng này khi nào xảy ra vẫn còn là một ẩn số, nhất là khi thương vụ SSI và KLS đã không thành. 

Nhìn vào bảng xếp hạng thị phần môi giới quý II-2016 của HOSE sẽ thấy khoảng cách giữa SSI và CTCK TPHCM (HCM) đột nhiên được nới rộng. Nếu như quý I-2016 SSI giữ 13,96% thị phần, HCM là 13,67% thì đến quý II này thị phần của cả 2 CTCK lớn nhất nhì thị trường lần lượt là 14,21% (SSI) và 11,95% (HCM). SSI vẫn đang giữ tốc độ tăng trưởng tốt, nhưng dường như HCM bị tuột lại. Một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của HCM chính là việc công ty có vốn điều lệ (VĐL) “chỉ” 1.273 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với SSI (4.800 tỷ đồng). CTCK VN Direct (VND), một CTCK xếp sau HCM về thị phần (VND có thị phần 5,85% trong quý II-2016 tại HOSE), nhưng đã có VĐL gần 1.550 tỷ đồng. Cần nói thêm, ngoài môi giới những ấn tượng HCM để lại trong các lĩnh vực như tư vấn, đầu tư là chưa nhiều. Để duy trì vị thế hàng đầu, việc chỉ mạnh một mảng có lẽ là không đủ mà phải có năng lực cạnh tranh toàn diện hơn.

 Trong bảng xếp hạng thị phần quý II-2016, có một sự trở lại đáng chú ý là CTCK Bảo Việt (BVSC) với 3,46% thị phần, đứng ở vị trí thứ 10. Cần nói rõ, BVSC là một trong những CTCK đầu tiên của TTCK Việt Nam và kết quả hiện nay có lẽ chưa xứng với tầm vóc của công ty cũng như kỳ vọng từ NĐT. Năm 2015, BVSC đã xóa được lỗ lũy kế và kỳ vọng dành cho CTCK này là có thể “nhẹ đầu” để tiến đến những mục tiêu cao hơn, nhưng rõ ràng mức độ cạnh tranh giữa các CTCK tốp đầu là vô cùng gay gắt. Chen chân được vào top 10 đã khó, duy trì được vị trí trong top 10 còn khó hơn và việc củng cố, vươn lên các vị trí xếp hạng cao hơn lại là những thách thức khổng lồ. Như trường hợp của HCM, dù vẫn duy trì được vị trí số 2 nhưng rõ ràng đã bị tuột về thị phần.

Ở đây, cần phải ghi nhận nỗ lực của các CTCK tốp đầu khi các dịch vụ đưa ra ngày một tốt hơn, được điều chỉnh khá tinh tế nhằm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhưng cũng do chưa có sản phẩm mới nên chất lượng dịch vụ của các CTCK tốp đầu hiện cũng không có nhiều chênh lệch. Kèm theo đó, việc khai thác khách hàng mới hoàn toàn của các CTCK là không hề đơn giản, phần nhiều vẫn là “giành khách” của nhau. CTCK cũng có thể kỳ vọng vào việc tài sản, nguồn vốn của NĐT hiện có tăng theo năm tháng, qua đó cũng gia tăng giao dịch và tăng được nguồn thu, nhưng tốc độ nhiều khả năng sẽ chậm. Và khi 10 CTCK hàng đầu chiếm đến 66%, tức 2/3 thị phần, khả năng mở rộng tiếp sẽ bị hạn chế. Thị trường chật chội dẫn đến việc CTCK nếu muốn gia tăng thị phần sẽ buộc phải đầu tư nhiều hơn mà điều này là rất rủi ro.

M&A để tạo những cú hích

Ngay một CTCK lớn như HCM vẫn bị giảm về thị phần, nên điều tương tự có thể xảy đến cho nhiều CTCK khác. Mặt khác, đầu tư nhiều chi phí hơn sẽ dẫn đến hiệu quả kinh doanh có thể giảm đi và sức ép từ phía cổ đông đương nhiên là rất lớn. Đó cũng là lý do các CTCK sẽ không dễ gì tăng VĐL trong thời điểm hiện nay. Nếu huy động vốn từ công chúng, đương nhiên sức ép tăng trưởng, cổ tức là rất lớn. Ngành CK hiện nay cũng không còn là ngành “hot” trên thị trường, CP CK lâu lâu mới nổi sóng nên cũng không còn nhiều người mặn mà. Nếu lấy từ nguồn thặng dư, tiến hành chia cổ tức bằng CP, hay chia thưởng CTCK phải đảm bảo được tốc độ phát triển bù đắp được tỷ lệ pha loãng. Nói riêng về các CTCK lớn, việc tăng VĐL thậm chí khó khăn hơn cả CTCK nhỏ. Đơn giản vì CTCK lớn tăng vốn cũng cần vốn lớn, trong khi vốn lớn sức ép lại càng lớn hơn.

Đó cũng là lý do M&A có thể là giải pháp được lựa chọn. Hoặc các CTCK lớn sẽ M&A với nhau để trở nên lớn hơn hoặc một đối tác lớn sẽ đầu tư mạnh vào CTCK, thay đổi cơ cấu sở hữu, bơm tiền để CTCK đó phát triển. Với những CTCK lớn, nằm ở tốp đầu, cần những câu chuyện liên quan đến tăng trưởng để tạo ra sức hút cho mình. Quan trọng hơn, khi các sản phẩm mới như phái sinh xuất hiện sẽ đi kèm theo những tiêu chuẩn dành cho CTCK tham gia. Như vậy, nếu CTCK nào không đủ chuẩn sẽ phải tiến hành tăng VĐL. Nhưng nếu tăng VĐL không được, tiến hành M&A với một CTCK ở vị thế tương tự để cùng nhau lớn hơn cũng là một giải pháp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

So với việc M&A giữa một CTCK nhỏ và CTCK lớn, rõ ràng M&A giữa các CTCK lớn với nhau sẽ phức tạp hơn nhiều. Những khác biệt về chiến lược, quản trị rõ ràng không dễ khỏa lấp trong thời gian ngắn. Trong khi nếu một CTCK nhỏ về với CTCK lớn thì việc phải tuân thủ những quy định điều kiện từ phía đơn vị lớn hơn sẽ đơn giản hơn nhiều. Nhưng nếu ở trạng thái bắt buộc, chẳng hạn cả 2 CTCK đều muốn gia tăng quy mô, đảm bảo vị thế của mình mà tự thân không thể làm trong thời gian ngắn thì cũng phải chấp nhận. Lúc này, có thể kể đến một loạt hệ quả như khi đã có một CTCK lớn hơn sau M&A cũng có thể thúc đẩy những CTCK khác tiến hành tương tự. Sự cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên sôi động hơn vì lúc này các CTCK thay vì thủ thế sẽ phải năng động, tích cực hơn, thậm chí mạo hiểm hơn để đảm bảo cho vị thế cũng như sự phát triển của mình.  

Các tin khác