Những khoản lỗ lũy kế trên BCTC của CTCK có thể xem như “tàn dư” của một giai đoạn khó khăn. Và khi những khoản lỗ này được xóa đi cũng đồng nghĩa với việc CTCK đã vượt qua khó khăn để phát triển mạnh mẽ hơn.
Đã qua giai đoạn khó khăn
Cuối năm 2013, CTCK Rồng Việt (VDS) vẫn phải gánh khoản lỗ lũy kế lên đến 150 tỷ đồng. Nhưng nhờ đạt được 105 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2014, khoản lỗ lũy kế của VDS tại thời điểm đầu năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 45 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ của VDS mới đây, với kế hoạch doanh thu 175 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 46 tỷ đồng, công ty cũng kỳ vọng sẽ xóa được hết lỗ lũy kế trong năm 2015 này. Cùng với hoạt động kinh doanh diễn ra theo chiều hướng khả quan, VDS cũng đã lên kế hoạch phát hành CP riêng lẻ để tăng vốn với số lượng 20 triệu CP giá 1.0. Theo công bố của VDS, số tiền thu về trong đợt phát hành này sẽ được cân đối sử dụng cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu…
Khi lỗ lũy kế giảm dần, áp lực dành cho phía công ty nói chung và người lãnh đạo nói riêng cũng nhẹ hơn, nhờ vậy có thể tự tin hơn với những kế hoạch phát triển thay vì quá thận trọng. |
Tương tự như VDS, khoản lỗ lũy kế của CTCK Bảo Việt (BVS) cũng đã giảm mạnh trong năm 2014, từ gần 149 tỷ đồng vào đầu năm, đến cuối năm chỉ còn xấp xỉ 20 tỷ đồng. Tại buổi khai trương phòng giao dịch Đồng Khởi cách đây chưa lâu, ông Nhữ Đình Hòa, Tỏng giám đốc BVS, cho biết hoạt động môi giới của BVS trong năm qua tăng trưởng khá mạnh và điều này sẽ hỗ trợ đáng kể để BVS xóa hết lỗ lũy kế.
Khác với BVS và VDS, xóa lỗ lũy kế dựa trên nguồn lợi nhuận làm ra trong năm, CTCK Sài Gòn-Hà Nội (SHS) lại dùng cả nguồn thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế ngay trong niên độ kế toán 2014. Chủ trương này đã được ĐHCĐ bất thường của công ty thông qua hồi cuối tháng 1 năm nay.
Cách làm của SHS có thể xem như một biện pháp điều chuyển các khoản mục trên BCTC từ thặng dư (số dương) chuyển sang lỗ lũy kế (số âm) để xóa lỗ. Nghĩa là nếu chỉ dùng lợi nhuận làm ra hàng năm, có thể tốc độ xóa lỗ lũy kế sẽ chậm hơn, nay có thêm phần thặng dư thời gian sẽ rút ngắn lại. Tất nhiên sẽ có những quan điểm khác nhau về việc này, nhưng điều không thể bàn cãi là khi lỗ lũy kế của SHS được xóa đi BCTC sẽ đẹp hơn. Không mấy khó khăn để liệt kê ra một loạt những tác dụng khi lỗ lũy kế của CTCK được xóa.
Tự tin nhìn về phía trước
Xem ra CTCK đã “đoạn tuyệt” với một giai đoạn khó khăn từ 2008 cho đến năm 2012 và “điệp vụ” vượt khó coi như đã thành công. Đây là một trong những giai đoạn khốc liệt nhất của thị trường khi các CTCK vừa phải chống chọi với những diễn biến khó lường trên thị trường đồng thời phải tái cấu trúc.
Nói như ông Nhữ Đình Hòa, chắc chắn một điều rằng, điều hành doanh nghiệp trong giai đoạn có khoản lỗ lũy kế “sờ sờ” trước mắt rất dễ dẫn đến việc “chim sợ cành cong”, vừa làm vừa sợ lỗ, mà như vậy không dễ gì để có những quyết sách quyết đoán và táo bạo.
Với cổ đông, việc CTCK xóa lỗ lũy kế sẽ đồng thời chấm dứt cơn khát cổ tức kéo dài trong nhiều năm. Trong một chặng đường xóa lỗ lũy kế của CTCK, sẽ có không ít cổ đông ức chế khi CTCK có lãi nhưng không thể chia cổ tức.
Đơn giản vì khi có lỗ lũy kế, CTCK sẽ không có nguồn để chia. Hay dù công ty còn lỗ lũy kế, nhưng hàng năm có lãi cũng sẽ giúp cho vốn chủ sở hữu tăng, qua đó giúp giá trị sổ sách của CP tăng. Một phần nào đó, đây cũng là những giá trị cổ đông sẽ nhận được. Khi xóa được lỗ lũy kế cũng cần có thêm một khoản thời gian để “bồi đắp” cho lợi nhuận trở nên “dày” hơn, CTCK mới có thể chia cổ tức với những tỷ lệ chấp nhận được.
![]() |
CTCK Rồng Việt xem như đã thoát lỗ. Ảnh: LONG THANH |
Trường hợp nếu CTCK mới xóa được lỗ lũy kế và có thêm lợi nhuận, khả năng tỷ lệ chia cổ tức nếu có cũng sẽ không ấn tượng. Dù vậy, điều này cũng có thể giúp kỳ vọng dành cho CP tăng mạnh. Sự khác biệt giữa khi CTCK có lỗ lũy kế (dù còn rất ít) và lợi nhuận tích lũy dương (dù chưa nhiều) là rất lớn, nghĩa là lợi ích dành cho cổ đông không đơn thuần chỉ là cổ tức mà có thể còn ở việc giá CP tăng do kỳ vọng tăng.
Đó là lý do vì sao trong quãng giữa năm 2014, VDS đã có những đợt tăng giá mạnh từ 4.000 đồng/CP lên 12.000 đồng/CP, hay như BVS cũng đã có thời gian tăng từ 10.000 đồng/CP lên 16.000 đồng/CP.
Khi xóa được lỗ lũy kế có thể nói sức mạnh kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng rất đáng kể. Lỗ lũy kế được xóa nhờ vào lợi nhuận làm ra đồng nghĩa với việc vốn chủ sở hữu gia tăng. Hiện tại những quy định về số tiền tối đa cho vay margin cũng tính trên vốn chủ sở hữu, nghĩa là vốn chủ tăng, tiền cho vay margin cũng tăng.
Như trường hợp của VDS, việc công ty đạt được những bước tiến dài trên con đường xóa lỗ lũy kế sẽ giúp kỳ vọng của NĐT gia tăng, việc phát hành CP có thể trở nên thuận lợi hơn. Nếu phát hành thành công, công ty sẽ bổ sung đáng kể nguồn vốn để gia tăng sức cạnh tranh cho mình.