Đáng chú ý, việc hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã tạo ra cú sốc khá lớn trên thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải thanh tra hoạt động phát hành, rà soát chính sách và ban hành quy định mới liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, để ngăn hạn dòng tiền chảy vào các lĩnh vực có tính chất đầu cơ như chứng khoán và bất động sản. Các nhà đầu tư chứng khoán cho rằng, đây là nguyên nhân khiến cho dòng tiền có dấu hiệu rút ra khỏi TTCK và chỉ số VN Index đã liên tục giảm điểm.
Tính từ đỉnh gần nhất ngày 4-4-2022 đến ngày 20-4-2022, chỉ số VN Index đã mất 144 điểm (-9,4%), xuống chỉ còn 1.384,72 điểm; trong đó VN-Index chỉ có 1 phiên hồi phục duy nhất ngày 13-4-2022, còn lại đều là những phiên giảm điểm mạnh. Tâm lý hoang mang bao trùm thị trường khi áp lực bán mạnh luôn xuất hiện đột ngột khoảng sau 14 giờ hàng ngày với hàng trăm mã giảm sàn.
Mặc dù trong suốt 2 năm đại dịch Covid 19 diễn ra, VN Index cũng đã có nhiều lần sụt giảm mạnh do phản ứng thông tin dịch bệnh, nhưng lần này đã có nhiều sự khác biệt, và nó khiến cho nhiều người liên tưởng đến TTCK giai đoạn cuối năm 2014 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 36/2014 (TT36) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Tổ chức tín dụng để hạn chế dòng tiền vào chứng khoán.
Lần lại lịch sử 8 năm trước
Năm 2014, Thông tư 36 ra đời trước yêu cầu phải nâng cao các tỷ lệ an toàn vốn, để giúp NH quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, hạn chế sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản. Đặc biệt, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đảm bảo tỷ lệ an toàn và nợ xấu không quá 3%, trong đó tỷ lệ tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ (thay vì 20%).
Mặc dù ngày 20-11-2014 Thông tư 36 mới được ban hành chính thức, nhưng từ khi dự thảo được đưa ra, TTCK đã ngay lập tức phản ứng trước thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường với nhiều phiên giảm điểm mạnh liên tiếp.
Tính từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2014, VN-Index đã mất 131,5 điểm (giảm 20%), từ mức đỉnh 644,56 điểm và chạm đáy 513,06 điểm ngày 17-12-2014. Nếu như trong sự kiện dàn khoan HD981 kéo vào Biển Đông xảy ra cùng năm 2014, VN-Index chỉ giảm hơn 12%, thì mức giảm 20% do Thông tư 36 ra đời được cho là rất mạnh vì nó tác động trực tiếp đến dòng tiền trên TTCK.
Trong 2 năm tiếp sau đó, mặc dù vẫn có những con sóng nhỏ, nhưng VN Index chủ yếu giữ xu hướng đi ngang, cho đến tận tháng 7-2016 mới có thể vượt qua mức đỉnh cũ 644,56 điểm thiết lập năm 2014. Như vậy, tác động của TT 36 tới TTCK Việt Nam là rất mạnh ở tại thời điểm nó ban hành, nhưng xét về dài hạn nó đã góp phần rất lớn trong việc tái cấu trúc được hệ thống NH, đảm bảo an toàn và ổn định để ngành NH phát triển.
Lịch sử có lặp lại?
Sau những ồn ào liên tiếp trên TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ và Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những sai phạm liên quan. Điều này vô hình dung đã khiến cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư lo lắng, vì giai đoạn 2020-2021 là giai đoạn bùng nổ dòng tiền đến từ phát hành trái phiếu riêng lẻ, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã phát hành trái phiếu để phục vụ cho nhu cầu đầu tư và phát triển kinh doanh.
Nếu như hoạt động này bị siết lại, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản do hiện nay tín dụng ngân hàng cấp cho lĩnh vực bất động sản cũng đã bị siết ngay từ đầu năm 2022.
Tuy nhiên, nhìn vào động thái của các cơ quan nhà nước, chúng ta có thể khá yên tâm rằng, nghiệp vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ đang được chấn chỉnh để phát triển chứ không phải bị hạn chế với những lý do như sau:
Thứ nhất, trong Nghị quyết 52 ngày 12-04-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, thì Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu phát triển dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với GDP lên mức 20%. Như vậy, so với tỷ lệ 16,6% GDP năm 2021, thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục còn dư địa phát triển khá lớn, góp phần chia sẻ cho thị trường tiền tệ trong quá trình hỗ trợ phát triển cho nền kinh tế.
Thứ hai, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hoàn thành việc kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành; trong đó đã xử phạt 2 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu và 1 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cho thấy, UBCKNN rất rõ ràng trong việc thanh tra và xử lý đúng đối tượng, đúng vấn đề. Không gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác khi phát hành đúng quy định.
Thứ ba, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 153/2020 /NĐ-CP theo hướng tăng cường công khai minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu UBCKNN xây dựng thông tư giao dịch trái phiếu riêng lẻ và đẩy nhanh thiết lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Nếu các văn bản quy định này được ban hành sớm, thì sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển.
Với những lý do ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, các hoạt động chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ ảnh hưởng cục bộ đến TTCK trong ngắn hạn. Về dài hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn được tạo điều kiện phát triển để thu hút vốn cho doanh nghiệp. Vì thế, các nhà đầu tư không nên quá lo lắng rằng, TTCK sẽ bị ảnh hưởng giống như khi Thông tư 36 ban hành.
Việc VN Index sụt giảm liên tục trong nhiều phiên chủ yếu đến từ tâm lý sợ hãi của đám đông đầu cơ khi nhiều “đội lái”, nhiều “lái tàu” bị bắt do hành vi thao túng TTCK. Do đó, thị trường được dự báo sẽ nhanh chóng hồi phục khi tâm lý đám đông được loại bỏ. |