Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

(ĐTTCO) - Cử tri bày tỏ mong muốn nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội đối với sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

- TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

Nới rộng “chiếc áo đã chật”

Đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết gồm 2 nhóm nội dung lớn. Thứ nhất là cơ chế phân cấp, phân quyền mở rộng về quản lý nhà nước với 5 lĩnh vực, trong đó có liên quan đến đầu tư, ngân sách, xây dựng, tài nguyên môi trường, tổ chức bộ máy cán bộ, công chức cho TP Thủ Đức.

Mở rộng phân cấp - ủy quyền là theo hướng một số việc trước đây Chính phủ làm, nay phân cho thành phố tự làm và tự chịu trách nhiệm, Chính phủ giữ vai trò kiểm tra, giám sát. Điều này rất quan trọng, giảm cơ chế xin - cho về công cụ tài chính và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Thứ hai là các cơ chế vượt trội. Theo tinh thần Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, TPHCM là hạt nhân, động lực phát triển của cả vùng. Để khai thác nguồn lực, cần phải có cơ chế vượt trội trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo… hoặc huy động nguồn lực tài chính về đất đai phù hợp.

Ví dụ như mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế PPP trong thể thao văn hóa; hay cho phép thành phố mở rộng cơ chế phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tăng đầu tư, trả bằng chính ngân sách nhà nước; hoặc chính sách tăng thu nhập cho cán bộ, công chức để tạo động lực làm việc… Từ những thí điểm này, trong tương lai sẽ có thực tiễn để tiến tới xây dựng một đạo luật về các đô thị đặc biệt, như đô thị 10 triệu dân ở TPHCM.

Nghị quyết mới có những cơ chế, chính sách mang tính hệ thống hơn so với Nghị quyết 54. Nghị quyết mới giải quyết bài toán đã đề cập suốt 20 năm nay, đó là TPHCM có “chiếc áo quá chật”. Với một siêu đô thị hơn 10 triệu dân thì những cơ chế quản lý phải được “nới rộng”, thành phố mới có thể phát triển.

Lần này rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54, TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng hàng trăm đề án, chương trình song song với quá trình xây dựng, trình nghị quyết mới. Khi nghị quyết được thông qua và TPHCM hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn để thành phố phát triển.

Tôi tin rằng Quốc hội sẽ thông qua để triển khai nghị quyết này. Bởi trong các phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường, hầu hết ý kiến đại biểu đều đồng tình ủng hộ, thậm chí một số đại biểu còn mong muốn có những cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa cho TPHCM.

- TS NGUYỄN THANH HÒA, Trưởng Phòng Thông tin Điện tử, Sở TT-TT TPHCM:

Tâm thế và tư duy mới

Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có thể nói là quá trình chuẩn bị cho cột mốc quan trọng, định hình cho sự phát triển của TPHCM cho giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, và cũng là một dịp soi rọi, đánh giá kỹ những tồn tại cũ và hình thành nên một tầm nhìn mới - hành động mới.

Nhìn lại chặng đường đã qua, người ta hay dùng phép ẩn dụ để so sánh như “chiếc áo đã chật”, “cơ chế đã cũ”, “thiếu vốn”, “nút thắt”, “điểm nghẽn”. Còn nhìn về tương lai phía trước, chúng ta thấy có kỳ vọng như “động lực mới”, “đường băng mới”, “chiếc áo mới”, “thí điểm chính sách”..., nhưng trên tất cả, đó là tâm thế làm mới chính mình.

Kinh tế thời gian qua đủ để bất cứ ai cũng phải lắng lòng nhìn lại nhiều khía cạnh cuộc sống. Những kỳ vọng vào sự bứt phá của TPHCM trong vai trò đầu tàu kinh tế đòi hỏi những cam kết và quyết tâm hành động mới. Có thể hình dung “động lực mới” cần có nguồn năng lượng mới, một cỗ máy truyền lực và một lộ trình tăng tốc vượt qua trở ngại. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ khởi phát lên động lực mới ấy? Động lực mới có thể đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài, nhưng giá trị nội sinh là quan trọng nhất. Trong một nhóm người, sức mạnh của một tập thể thống nhất luôn lớn hơn tổng của các cá thể riêng biệt.

“Đường băng mới” cho thấy một đích đến và một nhu cầu tăng tốc, nhưng nếu không thắng được trở ngại thì “đường băng mới” cũng không đem lại giá trị mới. Những “cơn gió ngược”, trọng lực và sứ mệnh trên vai làm sáng rõ thêm vai trò của đường băng ấy.

“Chiếc áo mới” là niềm vui của mọi người, là sự hân hoan trong mối liên hệ giữa con người với xã hội. “Chiếc áo mới” đòi hỏi quá trình may đo cần cân nhắc nhiều chiều. “Chiếc áo mới” cũng định nghĩa lại chúng ta là ai, chúng ta cần làm gì cho sự phát triển của thành phố vì cả nước, cùng cả nước. Hình ảnh ẩn dụ này cũng rất gần với “bình mới rượu cũ”, cho nên, khoác “chiếc áo mới” cũng đòi hỏi một tâm thế và tư duy mới; phải trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.

“Thí điểm chính sách” là một nhiệm vụ hơn là một mong muốn. Gánh vác trọng trách đi trước mở đường cho những chính sách đột phá, TPHCM cần chấp nhận những rủi ro, những thách thức to lớn. Niềm vui không đến bất ngờ; những chính sách mà chúng ta đang ra sức điều chỉnh, xây dựng đều bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống. Chính từ những bất cập, lệch pha mà chúng ta có được những bài học kinh nghiệm quý giá, làm đầu vào cho bài toán lớn hôm nay. Dĩ nhiên, với một bài toán phức tạp, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương bạn là hết sức cần thiết để TPHCM có thể hiện thực hóa một lộ trình phát triển mới.

- Luật sư NGÔ VIỆT BẮC, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, Đoàn Luật sư TPHCM:

Cơ hội để TPHCM thể hiện trách nhiệm với cả nước

Từ đầu kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các thông tin liên quan đến nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đột phá phát triển TPHCM đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và cử tri cả nước.

Qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy được sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đột phá của TPHCM đối với dự thảo nghị quyết mới. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương của TPHCM cũng đã có kế hoạch để triển khai nghị quyết mới ngay khi Quốc hội ban hành. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã rất nhiều lần khẳng định, TPHCM xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, triển khai thực tiễn để đóng góp thực tiễn cho cả nước, chứ không đặt vấn đề xin những đặc ân, điều kiện thuận lợi về cho thành phố.

Điểm khác cơ bản của dự thảo nghị quyết mới so với Nghị quyết 54 là mục tiêu đề ra và hướng tới. Cụ thể, nếu như Nghị quyết 54 tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu thì dự thảo nghị quyết mới tập trung chủ yếu vào sự đầu tư và phát triển cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới. TPHCM đã mạnh dạn xin thí điểm, từ đó Trung ương có kinh nghiệm thực tiễn để triển khai rộng rãi. Đây cũng có thể coi là môi trường để Trung ương thí điểm các chính sách mới trước khi sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật và áp dụng vào thực tiễn cả nước.

Những điều đó cho thấy sự chủ động của TPHCM trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và là động lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - như mục tiêu đã đặt ra theo định hướng của Nghị quyết 31-NQ/TW, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội. Do đó, sự mong mỏi lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và người dân TPHCM hiện nay là nhận được sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội thông qua nghị quyết mới, từ đó TPHCM có cơ chế để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển thành phố.

Các tin khác