Cùng AWS giải bài toán thiếu hụt nhân lực số trong ngành tài chính

(ĐTTCO)-Khoảng 40% các tổ chức tài chính ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng thiếu hụt về nhân lực chính là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của họ. Vì thế việc tìm kiếm các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho người lao động đang trở thành nhu cầu hết sức cấp bách.

Nhu cầu đào tạo kỹ năng số

Ông Emmanuel Pillai, Trưởng bộ phận đào tạo và cấp chứng chỉ AWS, ASEAN đã chia sẻ một số nghiên cứu với các tổ chức tài chính liên quan đến thách thức khi nguồn nhân lực thiếu kỹ năng số.

Theo đó, IDC có một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 đã chỉ ra 40% tổ chức tài chính ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng thiếu hụt về nhân lực chính là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của họ. Các tổ chức này đều cho rằng kể cả khi bắt đầu cũng như trong quá trình triển khai chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây mang lại rất nhiều lợi ích lớn như tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất, hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như góp phần nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên nếu không giải quyết được khó khăn về thiếu hụt nhân lực thì lợi thế của công nghệ điện toán đám mây sẽ không đạt được.

Emmanuel Pillai, Trưởng bộ phận đào tạo và cấp chứng chỉ AWS, ASEAN

Emmanuel Pillai, Trưởng bộ phận đào tạo và cấp chứng chỉ AWS, ASEAN

Các tổ chức tài chính ngân hàng (FSI) khu vực ASEAN cũng đang chuyển đổi số và ứng dụng điện toán đám mây mạnh mẽ nhằm loại bỏ các rào cản trong hoạt động cũng như tạo ra các trải nghiệm chất lượng cao cho khách hàng. Song để khai thác tất cả các lợi ích từ điện toán đám mây, họ cần sở hữu lực lượng lao động có kỹ năng số, biết sử dụng công nghệ điện toán đám mây và khai thác tối đa lợi thế của nó trong kỷ nguyên số.

Một nghiên cứu khác của AWS và Gallup thực hiện tại châu Á – Thái Bình Dương cho thấy có một số rào cản khi nâng cao năng lực số cho người lao động. Theo đó, cứ 5 tổ chức tài chính thì có 4 tổ chức (tương đương 85%) họ rất quan tâm đến đào tạo nâng cao kỹ năng số.

Tuy nhiên thiếu thời gian là một trong những rào cản để nâng cao năng lực số. Khoảng 1 nửa số người lao động được hỏi (khoảng 51%) cho thấy họ gặp nhiều rào cản lớn trong việc tìm ra được thời gian đi học. 44% người khảo sát cho thấy khi họ tham gia đào tạo về nâng cao năng lực số thì hiệu quả lao động của họ tăng lên.

Cả người lao động và người tuyển dụng đều quan tâm tới việc nâng cao năng lực số bởi nó không chỉ đóng vai trò lớn trong hoạt động của từng doanh nghiệp mà còn của nền kinh tế chung. Cụ thể theo khảo sát của Gallup nói trên lực lượng lao động có kỹ năng số đóng góp tới 372,3 tỷ USD vào GDP của nền kinh tế ASEAN. Vậy muốn nâng cao năng lực số cho nhân viên các tổ chức FSI cần đi tìm giải pháp hiệu quả ở đâu.

Giải pháp từ AWS

Trước rào cản về thiếu hụt nhân lực có kỹ năng số, AWS đã và đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp các tổ chức FSI cũng như các tổ chức khác phá bỏ rào cản này. AWS cho biết từ năm 2017 đến nay đã đào tạo kỹ năng điện toán đám mây cho hơn 1 triệu người ở khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam là hơn 50.000 người và đây mới chỉ là điểm khởi đầu.

Ở Việt Nam các tổ chức FSI như Techcombank đã có những hợp tác trong đào tạo cùng AWS. Như tại Techcombank, AWS đã đào tạo được hơn 2.000 nhân viên và sẽ tiếp tục đào tạo cho họ trong những năm tới.

“Chúng tôi đã tùy biến các hoạt động đào tạo của AWS qua đó có thể cung cấp các chương trình như AWS Skill Builder, AWS Skills Guild, AWS re/start… đây là những chương trình, sản phẩm mà chúng tôi giúp cho các tổ chức xây dựng, nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên trong các tổ chức. Chúng tôi luôn luôn cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với các tổ chức FSI giúp các quốc gia ASEAN và Việt Nam nâng cao năng lực số và xóa bỏ khoảng cách số” - ông Emmanuel cho biết.

Ken Nguyễn – Giám đốc Học viện Công nghệ, NAB Innovation Centre Việt Nam

Ken Nguyễn – Giám đốc Học viện Công nghệ, NAB Innovation Centre Việt Nam

AWS vừa giới thiệu chương trình AWS Industry Quest for Financial Services, chương trình đào tạo theo mô hình trò chơi. Đây là một cách tiếp cận học tập rất hấp dẫn, giúp mọi người trong ngành FSI phát triển kỹ năng về điện toán đám mây, có thể thực hành trong các giao diện giống như giao diện trò chơi trước khi áp dụng kiến thức vào trong môi trường thực tế.

AWS Industry Quest đã được thử nghiệm tại ngân hàng NAB (ngân hàng quốc gia của Úc) với kết quả rất là tốt và hiện nay, AWS Industry Quest cũng đã được triển khai trên toàn cầu với các khách hàng tài chính, ngân hàng.

Kể về câu chuyện của doanh nghiệp mình cũng như những trải nghiệm khi hợp tác cùng AWS, ông Ken Nguyễn, Giám đốc học viện Công nghệ, NAB Innnovation Centre Việt Nam cho biết một trong những điểm nổi bật của NAB là có 1 đội ngũ công nghệ thông tin rất lớn với khoảng 10.000 kỹ sư. NAB thành lập NAB Innovation Centre Việt Nam từ năm 2019 và đầu tư rất mạnh mẽ vào trung tâm đổi mới sáng tạo này. Các kỹ sư của NAB tại Việt Nam chính là những người cung cấp sản phẩm của NAB đến cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu.

“NAB là ngân hàng đầu tiên tại Úc công bố chiến lược Cloud First. Chúng tôi muốn đảm bảo mọi thứ đều trên Cloud. NAB không chỉ đầu tư vào hạ tầng của AWS mà chúng tôi còn đầu tư vào đội ngũ kỹ sư để đảm bảo rằng họ có kỹ năng vận hành các hệ thống đó” - ông Ken Nguyễn nhấn mạnh.

Đến nay NAB là một trong những tổ chức đầu tiên xây dựng môi trường Cloud với AWS. NAB bắt đầu hành trình này từ 2017 để hợp tác và phát triển đội ngũ kỹ sư của mình cùng với AWS, và đang hướng tới mục tiêu 100% kỹ sư có chứng chỉ điện toán đám mây.

Các tin khác