Sau khi Nhật Bản phải hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần tháng 3-2011, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại tác động thiên tai sẽ ảnh hưởng nặng nề đến dây chuyền cung ứng hàng hóa toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và vi mạch điện tử, có thể làm đình trệ sản xuất ở những nước đang nhập sản phẩm từ Nhật Bản. Tuy nhiên, có vẻ thực tế những ảnh hưởng đó không nặng nề như nhiều người đã nghĩ.
Sau khi thảm họa xảy ra STMicroelectronics, một công ty khổng lồ của châu Âu trong ngành kinh doanh chất bán dẫn đã thành lập lực lượng đặc biệt đánh giá sức khỏe hệ thống cung ứng, giống như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác cũng sử dụng nguyên liệu và thành phần ở Nhật Bản. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không như sự lo lắng. Có lẽ, hành động nhanh chóng của các công ty và khả năng hồi phục của mạng lưới cung ứng toàn cầu là lý do làm giảm đi sự ảnh hưởng bởi thiếu nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng từ Nhật Bản.
![]() |
Mô hình sản xuất khép kín khiến Nhật Bản chỉ có vị trí khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Theo khảo sát của GS. Hau Lee, Trường Đại học Stanford (California, Hoa Kỳ) và chuyên gia cung ứng Kevin O’Marah, Công ty tư vấn và nghiên cứu thông tin kỹ thuật hàng đầu thế giới Gartner, dù là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng Nhật Bản không phải là nhà cung ứng chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết quả cuộc khảo sát, hoàn thành vào tháng 2-2011, nghĩa là trước khi xảy thiên tai ở Nhật Bản, cho thấy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Trung Quốc đứng đầu, tiếp theo là Hoa Kỳ, Đức… Nhật Bản đứng thứ 8 cùng với Canada.
Với các chuyên gia Nhật Bản kết quả khảo sát mang ý nghĩa phát hiện hơn là điều ngạc nhiên. Nhật Bản có vị trí khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu bởi năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của nước này chủ yếu tập trung ở một số ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, điện gia dụng... Trong những ngành công nghiệp này, mô hình truyền thống của người Nhật là nhà cung cấp bán độc quyền sản phẩm cho một nhà sản xuất lớn, như Toyota chẳng hạn.
Việc chia sẻ kinh nghiệm và quan hệ kiên định đã góp phần vào sự phát triển sản xuất và hiệu quả kỹ thuật cho các công ty hàng đầu Nhật Bản. Những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ này giúp ngành công nghiệp phục hồi nhanh hơn so với những nơi khác. Chính sự dàn xếp giữa các công ty trong nước với nhau khiến những nhà cung ứng sản xuất Nhật Bản ít bán hàng cho tập đoàn nước ngoài. Khi thảm họa xảy ra, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ít bị ảnh hưởng hơn so với đồng nghiệp người Nhật ở khu vực Bắc Mỹ.
Theo G.S kinh tế Edward J. Lincoln, Trường Đại học New York, mối quan hệ cung ứng chặt chẽ, sâu rộng giữa các nhà sản xuất Nhật Bản cũng là một sản phẩm phụ của văn hóa kinh doanh vốn đặt sự ổn định xã hội lên trên lợi nhuận - mặc dù đã có sự thay đổi nhiều trong những năm gần đây khi các nhà cung ứng tập trung hơn vào lợi nhuận để làm hài lòng cổ đông. Các nhà phân tích nhận định, sau thảm họa, ngành công nghiệp Nhật Bản sẽ nới lỏng hệ thống hợp tác trong nước. Có thể các nhà sản xuất lớn sẽ tăng cường hợp tác với các nhà cung ứng bên ngoài hoặc xây dựng nhà máy sản xuất ở những nước ít chịu động đất và sóng thần hơn Nhật Bản. Trong khi các nhà cung ứng Nhật Bản sẽ phải tìm khách hàng ở nước ngoài nhiều hơn.
Đến nay, những vấn đề về cung ứng trong nước của Nhật Bản vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, vì thế việc sản xuất chưa thể tăng trong thời gian trước mắt. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, doanh thu nước ngoài của các công ty Nhật Bản trong tháng 4 đã giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là bằng chứng cho thấy các công ty đang phải vật lộn để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.