Mỹ và và đồng minh bắt tay nhau
Chính phủ Hoa Kỳ và NASA đã đề xuất Hiệp định Artemis nhằm thiết lập các quy tắc cho các hoạt động trên Mặt trăng trong tương lai. Hiệp định đã được 12 đồng minh của Hoa Kỳ ký kết, các quy định cho phép chính phủ hoặc các công ty tư nhân bảo vệ các cơ sở hoặc “địa điểm di sản” của họ bằng cách thiết lập các khu vực an toàn cấm người khác xâm nhập.
Với chương trình Artemis, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đặt mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên hạ cánh lên mặt trăng. Đây sẽ là lần đầu tiên con người đi bộ trên mặt trăng kể từ sứ mệnh hạ cánh cuối cùng lên mặt trăng trong chương trình Apollo của NASA.
Sứ mệnh Apollo 11 từ năm 1969-1972 đã hạ cánh con người đầu tiên lên mặt trăng và chương trình Artemis đã lên kế hoạch đưa các phi hành gia Hoa Kỳ trở lại đó vào năm 2024. Tuy nhiên, không giống như Apollo, chương trình mới nhằm mục đích để các phi hành gia ở lại đó, cùng với việc xây dựng một số cơ sở có quy mô lớn trong quỹ đạo của mặt trăng và trên bề mặt của nó, tạo điều kiện cho các công ty tư nhân Hoa Kỳ tìm hiểu các lợi ích kinh tế trên Mặt trăng.
Chương trình cũng hướng đến đặt nền móng cho việc đưa con người đến Sao Hoả. Cơ quan vũ trụ Mỹ cũng tin rằng những kỹ năng và kiến thức chuyên môn thu được trong quá trình thực hiện mục tiêu đó sẽ giúp nhân loại đạt được bước nhảy vọt tiếp theo – đưa con người lên sao Hỏa. Chuyến đi của phi hành đoàn tới hành tinh đỏ được NASA đặt mục tiêu thực hiện vào những năm 2030.
Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác khám phá không gian
Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch thành lập căn cứ trên Mặt trăng trong cuộc chạy đua không gian với Mỹ. Việc tăng tốc kế hoạch dường như được thúc đẩy một phần bởi lo ngại về các động thái do Mỹ dẫn đầu nhằm đặt ra các quy tắc cho các hoạt động trên Mặt trăng trong tương lai.
Trong bối cảnh chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc đã tiến triển đều đặn và ổn định, mục tiêu mới của sứ mệnh đổ bộ lên mặt trăng Chang’e 8 (Thường Nga), là thiết lập một trạm nghiên cứu Mặt trăng không người lái vào khoảng năm 2027.
Ông Wu Yanhua, Phó Giám đốc Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, căn cứ chung trên Mặt trăng được hợp tác xây dựng với Nga, tiến hành sớm hơn 8 năm so với kế hoạch. Đồng thời, có thông tin cho rằng Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ ký một thỏa thuận hợp tác không gian mới, khi sự cạnh tranh với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng.
Giới chức Trung Quốc lo ngại rằng chương trình đổ bộ lên Mặt trăng Artemis do NASA đứng đầu liên quan đến các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc và Nga phản đối thỏa thuận này vì đã thách thức các giao thức quốc tế hiện có bao gồm cả Thỏa thuận về Mặt trăng của Liên hợp quốc, trong đó quy định rằng Mặt trăng thuộc về toàn thể loài người, không phải của một bên nào đó.
Theo ông Zhang Chongfeng, Phó Giám đốc thiết kế chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, cho biết trong một bài báo được xuất bản gần đây rằng Trung Quốc sẽ phải “thực hiện một số biện pháp hướng tới tương lai và triển khai chúng trước thời hạn”.
Ai sẽ giành thắng lợi cuộc đua “siêu cường không gian”?
Chương trình Chang’e được đặt theo tên của nữ thần Mặt trăng của Trung Quốc, có kế hoạch đánh bại Artemis bằng cách khai thác điểm yếu của nó. Chương trình Artemis cực kỳ phức tạp. Nó yêu cầu xây dựng một cơ sở tương tự như Trạm vũ trụ quốc tế trên quỹ đạo của Mặt trăng, với chi phí ước tính 100 tỷ USD vào năm 2025. Văn phòng Tổng thanh tra của NASA gần đây đã cảnh báo rằng lần hạ cánh đầu tiên có thể bị trì hoãn vài năm do các thách thức kỹ thuật và các thách thức khác.
Chương trình của Trung Quốc sẽ có cách tiếp cận đơn giản hơn, ông Zhang nói. Thay vì xây dựng một “cửa ngõ” trên quỹ đạo, Trung Quốc sẽ trực tiếp đặt một trạm nghiên cứu chạy bằng năng lượng hạt nhân trên mặt trăng. Cơ sở không người lái này sẽ cho phép các phi hành gia Trung Quốc đến thăm ở trên mặt trăng lâu như các đồng nghiệp Mỹ của họ nhưng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ.
Để chống lại các yêu sách lãnh thổ của Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ triển khai một trạm di động kết hợp với việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các phi hành gia không cần phải có mặt để thực hiện hoạt động của nó.
Và, không giống như chương trình của Mỹ, tập trung vào các hoạt động trên bề mặt, Trung Quốc sẽ rất chú trọng đến việc khám phá các hang động, nơi có thể cung cấp một nơi trú ẩn tự nhiên cho việc xây dựng các “khu định cư lâu dài”. Ông Zhang ước tính đến năm 2050, Trung Quốc có thể thiết lập vị trí hàng đầu trên Mặt trăng với sự hợp tác từ các quốc gia như Nga.
Chương trình vũ trụ Trung Quốc đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 bao gồm hoàn thành cấu trúc cơ bản của trạm vũ trụ Tiangong, phóng tên lửa trên biển, theo đuổi sứ mệnh tới sao Hỏa và tham vọng trên Mặt trăng.
Trong một nỗ lực nữa nhằm vượt Mỹ trở thành cường quốc vũ trụ, Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần phải giải quyết bao gồm các giới hạn về cung cấp năng lượng và khả năng vận chuyển.