Cuộc chiến pháp lý chỉ về vấn đề này đã lấy đi của ông 2 năm ròng rã tại tòa án các cấp, với chi phí pháp lý lên tới 15.000USD. Vợ ông thậm chí còn chi tới 38.000USD.
Những “đứa con” 4 chân
Vợ ông Giarrusso, bà Diane Marolla phân trần rằng, bà không thể nhượng bộ, vì bà cũng rất yêu chúng. Biển số xe của bà được đăng ký là “Marox 1”, theo tên của một trong hai chú chó. Cuộc chiến đã kết thúc với phán quyết của thẩm phán hồi tháng 4-2019, theo đó Giarrusso được nuôi chó vào thứ ba và thứ tư hàng tuần. Những ngày còn lại là của Marolla. Cuối cùng, khi được gặp lại và ôm hôn thắm thiết 2 “đứa con” của mình - Marox, một chú chó xám nhỏ gốc Ý 16 tuổi và Winnie, một cô chó lai dachshun - chihuahua 14 tuổi, ông Giarrusso nói, đi kiện cũng thật bõ công.
Vụ việc của Giarrusso và Marolla ồn ào đến nỗi tạo ra nhiều vệt bài trên truyền thông địa phương, nhưng theo các luật sư về hôn nhân và gia đình, những vụ tranh chấp kiểu này đang trở nên khá phổ biến ở Mỹ. Trong 3 năm qua, có 3 tiểu bang ở Mỹ đã thay đổi các đạo luật về ly hôn, coi thú cưng là thành viên trong gia đình mà không phải là tài sản. Trong khi đó, Rhode Island, Pennsylvania và Washington D.C. đang có những dự luật chờ được phê chuẩn với nội dung tương tự.
Ảnh minh họa.
Nghị sĩ bang Rhode Island, Charlene Lima, một người theo đảng Dân chủ, là người bảo trợ cho dự luật, đang sở hữu một chú chó husky 9 tuổi giống Siberia cho biết, theo các luật sư ly hôn, hầu hết các tòa án hiện nay vẫn không sẵn sàng xét xử “cuộc chiến” giành quyền nuôi thú cưng, dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Vào năm 2013, khi Tòa án Tối cao New York phải xử lý vụ tranh chấp giữa một cặp vợ chồng cãi nhau về quyền nuôi một chú chó dachshund tên Joey, các nhà làm luật đã nhìn nhận xu hướng này sẽ còn gia tăng và không còn là trường hợp ngoại lệ.
“Những người đã yêu quý thú cưng sẽ yêu chúng mãi mãi, dù không thể luôn nói điều tương tự về người bạn đời” - Matthew Cooper, vị thẩm phán được giao phán xử vụ việc về chú chó Joey sau đó đã đưa ra nhận xét. May mắn là cặp vợ chồng sở hữu Joey rút cục đã tự thỏa thuận với nhau, song Cooper sau đó vẫn tập hợp, ghi chép lại về hàng loạt vụ việc liên quan đến quyền nuôi chó (và một vụ về quyền nuôi mèo) mà các thẩm phán phải phân xử để làm tài liệu tham khảo.
Chuyện không còn cá biệt
Chuyện không còn cá biệt
Thực ra, ngay từ năm 1897, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng những con chó thuộc sở hữu công dân là “tài sản cá nhân”, nhưng vào thời điểm đó chó được nuôi chủ yếu để kiếm tiền cho chủ. Cho đến khi nước Mỹ chuyển đổi từ một xã hội chủ yếu là nông thôn sang đô thị, chó không còn là những “người làm” mà trở thành bạn đồng hành, thậm chí là “con cái”.
Có đến 80% chủ sở hữu xem thú cưng của họ là thành viên trong gia đình, theo khảo sát của Hiệp hội Y khoa Thú y Mỹ (AVMA). Chủ nuôi sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn USD để được giữ lại, chăm sóc, chữa trị… cho những con vật đôi khi giá mua không cao đến thế, thậm chí là “thú hoang đường phố”.
Đặc biệt, rất nhiều người thuộc thế hệ millennials (những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến năm 2000) sở hữu thú cưng và chăm sóc chúng như con cái (trong khi họ không buồn sinh con - tỷ lệ sinh trong năm 2018 ở Mỹ thấp nhất trong 32 năm trở lại đây).
Trong số 1.139 millennials sở hữu thú cưng được tổ chức TD Ameritrade khảo sát vào năm 2018, gần 80% phụ nữ và gần 60% đàn ông cho biết, họ coi thú cưng là những “em bé lông xù”. Số lượng vật nuôi có bảo hiểm y tế đã tăng 18% từ năm 2017 lên hơn 2 triệu vào năm 2018. Nhu cầu về bác sĩ thú y vì thế cũng gia tăng. Cục Thống kê Lao động Mỹ dự đoán nhu cầu về bác sĩ thú y và kỹ thuật viên thú y sẽ tăng gần 20% vào năm 2028 so với năm 2018.
Ở Kentucky, vào năm 2001 một người phụ nữ yêu mèo thậm chí còn bị bỏ tù 30 ngày do từ chối chấp hành phán quyết của thẩm phán phải trao quyền nuôi mèo cho người chồng. Một cuộc khảo sát về những người sống sót sau cơn bão Katrina cho thấy 44% số người từ chối sơ tán trước khi cơn bão năm 2005 đổ bộ vào New Orleans vì họ không đành lòng bỏ lại thú cưng.
Hay như năm 2017, khi cơn bão Harvey tràn vào bang Houston, anh Isiah Courtney đã dành toàn bộ tâm sức để cứu Bruce, chú chó pit bull nặng tới 85 pound (khoảng 39kg) của mình. Thực tế này thúc đẩy sự ra đời của một đạo luật liên bang năm 2006 yêu cầu chính quyền - cả liên bang và từng bang - khi xây dựng các kịch bản sơ tán phải tính đến cả vật nuôi.
Trở lại với cuộc ly hôn của Giarrusso và Marolla sau 23 năm chung sống. Vụ việc trở nên rắc rối khi cả 2 không chấp nhận mỗi người một thú cưng. Cả hai đều không đành lòng để thú cưng phải chia rời nhau. Giải pháp rất phức tạp đạt được là Marolla nuôi cả hai trong 9 tháng, nhưng Giarrusso có quyền thăm chó bất kỳ lúc nào.
Sau đó, Giarrusso được nuôi trong 3 tháng hè. Vào dịp Giáng sinh, tháng 2 và tháng 4, mỗi lần ông sẽ được nuôi chúng 1 tuần. Thế nhưng sau đó, Marolla đã tố cáo chồng cũ không chăm sóc tốt con chó, thậm chí suýt để lạc Marox và không cho ông thăm chó nữa. Cuộc chiến pháp lý kéo dài suốt hơn 2 năm sau.