Theo đại diện Bệnh viện Hữu Nghị, ông Nguyễn Quang Tuấn đã đơn xin thực hành để được cấp giấy phép hành nghề theo quy định.
Trước đó, vào tháng 4-2023, Toà án nhân dân TP Hà Nội mở phiên toà xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 người khác trong vụ nâng giá vật tư y tế gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng.
Kết thúc phiên tòa, ông Tuấn bị phạt 3 năm tù. Trong bản án, hành vi phạm tội của ông Tuấn hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn ngành y mà chỉ là vi phạm trong công tác quản lý. Vì thế, ông Tuấn chỉ bị tước chứng chỉ hành nghề sau vụ án, nhưng không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành xong bản án.
Sau khi chấp hành xong án phạt, được ra tù, ông Tuấn đã làm đơn xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị để được cấp giấy phép hành nghề theo quy định của Bộ Y tế.
“Theo quy định, ông Tuấn phải thực hành trong vòng 12 tháng để làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mới. Khi đáp ứng đầy đủ quy định về khám chữa bệnh, ông Tuấn có thể trở lại khám chữa bệnh cho người dân", đại diện Bệnh viện Hữu Nghị cho biết.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Ông Nguyễn Quang Tuấn là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tim mạch và từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Năm 2012, ông Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Đến tháng 3-2020, ông Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Thời điểm đó, dịch Covid-19 đang xảy ra, ông Tuấn cùng các y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã tới nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, để hỗ trợ chống dịch.
Theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, thời gian, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ là 12 tháng. Trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 9 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng.