Khơi thông đường thủy
Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư phát triển nhiều loại hình vận tải mới, trong đó có vận tải đường thủy phục vụ hành khách và du lịch. Cụ thể, thành phố đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách đường thủy số 1; tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ) và Hồ Mây (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch bằng đường thủy từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi), thu hút người dân, khách du lịch trong và ngoài nước… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiềm năng của giao thông thủy vẫn chưa khai thác hết, nhất là vận tải hàng hóa.
Buýt đường sông ngày càng đông khách
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An phân tích, TPHCM có thế mạnh về giao thông thủy. Trong đó, 110 tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy, bao gồm tuyến đường thủy nội địa và tuyến hàng hải (tổng chiều dài 975km) cùng hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trải đều trên địa bàn thành phố.
Việc tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đường thủy sẽ góp phần phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch, “chia lửa” rất lớn cho giao thông đường bộ. Trong khi đó, theo Sở GTVT, tại khu cảng Cát Lái, Tân Cảng Cát Lái đã khai thác sản lượng vượt công suất quy hoạch, dẫn đến quá tải cho giao thông đường bộ kết nối khu vực cảng, gây ùn tắc thường xuyên ở cửa ngõ phía Đông, nhất là ở nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức).
Vì vậy, việc tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, trong đó có giao thông thủy đến các trung tâm logistics, ICD (cảng cạn), kho bãi, trung tâm phân phối phục vụ hàng xuất nhập khẩu và thương mại nội địa là rất cần thiết.
Cần đa dạng nguồn đầu tư
Trong kế hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy nội địa, Sở GTVT TPHCM đề xuất ưu tiên thực hiện dự án nạo vét, nâng cấp các cầu trên tuyến liên kết nội thành với khu vực cảng biển mới, đảm bảo theo quy mô quy hoạch được duyệt.
Theo đó, đầu tư các tuyến khu Đông thành phố kết nối khu bến trên sông Đồng Nai; đầu tư các tuyến kết nối đến khu cảng biển Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có tổng chiều dài khoảng 35,6km, kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Tiếp đó, đầu tư kè bờ kết hợp xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách kết hợp du lịch trên sông Sài Gòn, từ ngã ba Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) đến ranh giới rạch Vĩnh Bình (giáp tỉnh Bình Dương).
Song song đó, đầu tư xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn, có chiều dài 30km, ước tính tổng kinh phí 1.200 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường thủy Vành đai ngoài từ sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh xáng An Hạ - kênh Lý Văn Mạnh - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - rạch Bà Lào - rạch sông Tắc - rạch Trau Trảu - rạch Chiếc - sông Sài Gòn, tổng chiều dài 108km, dự tính kinh phí khoảng 4.794 tỷ đồng.
Để thực hiện hàng loạt dự án trên sẽ cần hơn 6.000 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn ngân sách hiện rất khó khăn. Về việc này, ông Bùi Hòa An cho rằng, hiện nay đối với việc khai thác hành lang sông, kênh rạch phục vụ kết nối các bến, đồng bộ hóa giao thông thủy - bộ, các công trình phụ trợ phục vụ các tuyến giao thông thủy chưa có quy định pháp luật để sử dụng và khai thác.
Bên cạnh đó, quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, khu du lịch dịch vụ vui chơi giải trí và thắng cảnh trên sông còn hạn chế… Do vậy, dù tiềm năng và lợi thế về vận tải đường thủy rất lớn nhưng cũng chưa khai thác hết, chưa kêu gọi được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, chỉ có thể đầu tư từ nguồn ngân sách.
Chính vì vậy, cần phải có giải pháp thực hiện nhiều phương thức, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư. Trong đó, cần có giải pháp như sử dụng quỹ đất trên hành lang bờ sông, kênh rạch cho tổ chức, cá nhân thuê để xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khai thác hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hiện có để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước…
Theo KTS Nguyễn Văn Tất, gần đây có một số dự án khai thác đường sông, nhưng chỉ mới lẻ tẻ phục vụ du lịch, một vài tuyến chở khách bằng tàu cánh ngầm hoặc buýt trên sông… Thật ra, những gì đang làm không đáng kể so với tiềm năng vốn có. Thành phố cần hướng đến mục tiêu lớn hơn, biến dòng sông thành dòng chảy của cuộc sống đô thị hàng ngày, không chỉ đóng góp vào vận chuyển hàng hóa, hành khách, mà còn khơi dậy mạch sống trên bến dưới thuyền - một nét văn hóa của thành phố. |