Ý tưởng hay, thông điệp phong phú, nhưng dường như kết quả nhận được chưa cho thấy sự chuyển biến bao nhiêu khi nhà máy nhiệt điện vẫn tiếp tục xây dựng, bờ biển vẫn ngập đồ nhựa, các kênh rạch vẫn đầy rác thải, hè phố tràn ngập đồ nhựa dùng một lần…
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách thức đối với tiến trình xanh hóa, việc tuyên truyền là cần thiết, nhưng cái quan trọng là bắt tay vào hành động thực tế và quyết liệt hơn,
Một trong số các hành động cần được ưu tiên chọn lựa là rác thải nhựa, bởi rác thải nhựa đang đe dọa sự tồn vong của trái đất, nhân loại và mỗi quốc gia. Mỗi năm có khoảng 200 triệu tấn chất thải nhựa, tương đương 523.000 tỷ ống hút nhựa thải ra môi trường mỗi năm.
Con số trên được đưa ra trong Báo cáo “Nhựa: Chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) năm 2021. Nếu số ống hút này được xếp nối tiếp nhau theo chiều dài, có thể quấn quanh thế giới khoảng 2,8 triệu lần.
Ở khu vực châu Âu, mỗi năm thải ra 23,5 tỷ ống hút. Mỗi ngày người Mỹ sử dụng rồi bỏ đi 500 triệu ống hút nhựa. Mỗi ngày người Ấn Độ xả ra môi trường khoảng 26.000 tấn rác thải nhựa, trong đó chủ yếu là ống hút và túi nilon. Còn ở Việt Nam, mỗi năm thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 72% là các loại sản phẩm nhựa dùng một lần.
Sản phẩm nhựa dùng một lần là chế phẩm lấy ra từ nhiên liệu hóa thạch hút lên từ lòng biển, lòng đất. Nó rất rẻ và khả năng cung ứng dường như là vô biên. Phải công nhận các sản phẩm được chế ra từ nhựa rất rẻ, tiện dụng cho vận chuyển và tiện dụng cho sử dụng, trong khi không có vật liệu nào làm được như thế.
Chính vì thế đồ nhựa dùng một lần chiếm ngôi bá chủ trong hàng chục năm trời trên bàn ăn, quán cà phê, và trên tay người đi chợ. Nhưng nó là loại sản phẩm khó phân hủy nhất, tính ra phải mất 500-700 năm may ra mới phân hủy hoàn toàn, vì thế nó có ở khắp mọi nơi từ trong phòng ngủ ra đến nghị trường. Nó gây ra tác hại kinh hoàng và đang làm rối loạn đời sống, làm mất cân bằng sinh thái.
Cũng vì điều này mà mấy năm gần đây, các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường, các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế đều ý thức được rằng nên hạn chế đầu vào, giảm dần cho đến lúc triệt tiêu loại sản phẩm nhựa dùng một lần. Đó là phương cách tốt nhất để cứu trái đất.
Trước bài toán nan giải này, các nhà khoa học quay trở lại với nguyên lý thay thế, có nghĩa là muốn bỏ cái này thì phải có cái khác thay thế, và cái khác ấy có giá trị tương tương hoặc tốt hơn về giá trị sử dụng, giá thành, quy trình sản xuất.
Người Ấn Độ được coi là đầu tiên làm chuyện này với quy mô lớn. Cách nay hơn 10 năm, người Ấn Độ đã tìm ra loại lá chuối có bản to, mềm làm bát, tô, đĩa sử dụng một lần. Họ lấy loại lá này cho vào khuôn dập nóng, thế là có một cái tô đựng thức ăn đường phố, sau này họ tìm thêm loại lá giống như lá bàng để dập các dụng cụ ăn uống đường phố.
Mấy năm gần đây, người Ấn Độ làm ra hộp đựng thức ăn, tô, bát từ bã mía, mỗi ngày người Ấn Độ dùng hàng triệu vật dụng đựng thức ăn từ bã mía. Hiện nay, ai đến Ấn Độ du lịch vẫn gặp những sản phẩm này được sử dụng phổ biến ngoài đường phố.
Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện khuynh hướng sử dụng các vật liệu tự nhiên thay thế đồ nhựa dùng một lần như ống hút, khay, tô từ năm 2018. Cho đến nay có 4 cơ sở sản xuất ống hút từ cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa. Cả 4 cơ sở này đều tìm tòi nghiên cứu để đưa thân cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa.
Qua các công đoạn chọn lựa, cắt, vệ sinh, sấy khô họ đã thành công. Nhưng loại ống hút này lại thấy rất ít xuất hiện trên thị trường Việt Nam, kể cả ở TPHCM. Lý do các chủ quán cà phê, nhà hàng cho rằng giá thành khá cao so với ống hút nhựa. Giá bán của ống hút nhựa hiện nay một gói 80 cái 8.000 đồng, tính ra 100 đồng/cái, trong khi đó giá ống hút bằng cỏ bàng 600.000 đồng cho 1 túi 500 cái, khoảng 1.100 đồng/cái, đắt hơn gấp 10 lần so với ống hút nhựa.
Vì lý do đó các quán ăn, nhà hàng không mặn mà với ống hút cỏ bàng, chưa kể ống nhựa để rất lâu vẫn sử dụng, còn ống cỏ bàng có tuổi thọ ngắn, bảo quản thật kỹ may ra được 3 tháng, nếu mốc phải bỏ.
Câu hỏi là tại sao giá thành cao thế? Câu trả lời là nguyên liệu đầu vào không có nhiều, chưa có vùng nguyên liệu, chưa có máy móc chuyên dụng, cây bàng hiện nay là loại cỏ mọc hoang, được tìm ở ngoài tự nhiên có sẵn, nên sản phẩm không đồng đều, và có mùa có có mùa không, như hạn hán năm 2024 cây cỏ bàng không sống nổi.
Một thí dụ khác cần nói đến đó là anh Nguyễn Văn Tuyến, ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, đã biến mo cau thành chén đĩa. Năm 2019 anh nhập máy làm chén đĩa từ mo cau của Ấn Độ, thuê nhân công thu gom mo cau, sau đó qua xử lý thô rồi đưa vào khuôn ép nhiệt khoảng 40 giây, sau đó người thợ dùng dao cắt theo đường viền, tạo hình cho sản phẩm.
Mỗi ngày, xưởng anh Tuyến cho ra nhiều nhất khoảng 5.000 sản phẩm gồm các chủng loại đĩa hình chữ nhật, đĩa tròn, thìa, muỗng, chén lớn, nhỏ. Tuy nhiên, sản phẩm không tiêu thụ được trong nước vì giá thành khá cao, mỗi cái chén, đĩa mo cau bán giá 3.000-5.000 đồng, đắt hơn nhiều lần so với tô, đĩa nhựa, do vậy sản phẩm chủ yếu được xuất ngoại sang một số nước như Hà Lan, Ba Lan, Mỹ...
Câu hỏi đặt ra ở đây là có thể thương mại hóa ở cấp phổ thông cho toàn xã hội những loại sản phẩm thay thế này được không? Hoàn toàn có thể, nếu Chính phủ Việt Nam và chính quyền các cấp nhận thức được giá trị của nó và thay đổi thái độ ứng xử với nó.
Muốn vậy phải đưa những loại hình sản xuất thay thế trên đây vào chương trình trọng điểm quốc gia, không để cho các doanh nghiệp tự bơi nữa. Các doanh nghiệp này cần được vay vốn ưu đãi, dài hạn để mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng, mua sắm các máy móc thiết bị hiện đại hơn, sản phẩm được miễn giảm các loại thuế.
Bộ Khoa học - Công nghệ và các trường đại học nghiên cứu cải biên các loại giống để cho ra các loại mo cau, lá chuối, lá bàng to hơn, mềm hơn, dai hơn, thời gian sinh trưởng ngắn lại, nhân giống các loại cây bàng cứng cáp hơn và cùng với nó là các quy trình sản xuất, kỹ thuật chế biến an toàn, hiệu quả hơn.
Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cần tìm ra những vùng trồng nguyên liệu với quy mô lớn, vừa có nguyên liệu đầu vào, vừa giải quyết công ăn việc làm cho nông dân. Khi nào các nhà máy này sản xuất mỗi ngày ra hàng triệu sản phẩm ống hút từ cỏ bàng, hộp đựng thức ăn từ bã mía, mo cau, lá chuối, túi đựng từ lá sen, lá bàng, chai đựng nước từ thân tre nứa với giá rẻ, chất lượng chấp nhận được, chúng sẽ xuất hiện phổ biến ngoài xã hội, thay thế dần cho đồ nhựa.
Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam thực hiện đa mục tiêu: bảo vệ môi trường, xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, kiến tạo việc làm, thay đổi thói quen tiêu dùng, và quan trọng hơn cả là hành động để đạt đến mục tiêu phát thải bằng 0.