Theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, trong năm 2012, toàn ngành có khả năng vượt mốc chỉ tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 7 tỷ USD và xuất khẩu túi xách có thể đạt 1,5-1,7 tỷ USD.
Hiện nay, nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng đến cuối năm. Giá trị thặng dư của ngành từ đầu năm tới nay cũng có sự tăng trưởng đáng kể đạt trên 50% (năm 2011 chỉ đạt 40%). Tuy nhiên, chỉ có DN FDI xuất khẩu đạt hiệu quả kinh doanh cao với mức tăng trưởng 35%, giá trị thặng dư 2,5 tỷ USD.
Hiện nay, trong khoảng 800 DN da giày, túi xách hoạt động tại Việt Nam, không kể các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ gia đình, số DN FDI và liên doanh nước ngoài đã chiếm đến 65%. Các DN này đã đẩy mạnh phát triển các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang lại lợi nhuận lớn. Trong khi đó, do mới chỉ làm gia công nên năng lực của các DN nội địa vẫn bị đánh giá thấp.
Thời gian qua, vấn đề nội địa hóa nguyên phụ liệu cung cấp cho sản phẩm da giày, túi xách được đặt ra như một yêu cầu tối cần thiết để tạo giá trị gia tăng cho ngành. Tuy nhiên, dù có tăng hơn các năm trước, nhưng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của các DN nội vẫn còn thấp hơn mức kỳ vọng và vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê, những tháng đầu năm nay, DN nội đã nhập nguyên phụ liệu đến 7,8 tỷ USD, khiến giá vốn thành phẩm cao gấp 3-4 lần DN ngoại. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của các DN trong nước đạt cao nhất chỉ khoảng 50%, trong khi các DN FDI đã nội địa hóa lên đến 70-80%.
Nguyên nhân là họ có công ty mẹ đỡ đầu, có hệ thống sản xuất và phân phối toàn cầu nên có thể kết nối với các đơn vị khác trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Trong khi đó, chỉ mới có 30% DN nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, khiến DN nội yếu thế trên sân nhà, không có lời nhiều. Đồng thời, DN trong nước vẫn còn đang trong vòng xoáy làm gia công, chưa mạnh dạn thoát ra, nên các trung tâm nguyên phụ liệu mở ra không có người mua phải đóng cửa, bóp nghẹt sự phát triển của lĩnh vực này.
Muốn tạo ra giá trị thặng dư, mang về lợi nhuận, các DN Việt Nam cần nhìn rõ các vấn đề trên để tìm cách giải quyết thấu đáo. Chỉ khi nào giải quyết được các nút thắt này, xuất khẩu da giày mới mang lại lợi nhuận và giúp ngành da giày Việt Nam xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.