Bởi Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của UBND TPHCM, quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa được ban hành, nhưng rất ít hồ sơ được giải quyết. Liệu quy định mới có giúp người dân thuận lợi hơn trong công tác tách thửa?
Người dân khấp khởi chờ đợi
Bà Võ Mộng Thu Trang, phường Tam Bình (TP Thủ Đức), cho biết mẹ bà có miếng đất muốn chia cho các người con, nhưng từ nhiều năm nay hồ sơ xin tách thửa nộp tại UBND TP Thủ Đức mới được giải quyết một phần. Cụ thể, miếng đất mẹ bà Trang muốn tách ra thành 3 miếng để chia cho các con, song cơ quan chức năng mới tách ra 1 miếng. Lý do, phần đất phía ngoài tiếp giáp với đường hiện hữu, còn phần đất phía trong không có đường tiếp giáp, muốn có đường phải mở lối đi chung ra đường hiện hữu phía trước.
Theo giải thích của cán bộ thụ lý hồ sơ, với những quy định hiện hành không thể giải quyết. “Gia đình rút hồ sơ về. Nay nghe có quy định mới việc tách thửa, chúng tôi đang khấp khởi chờ đợi” - bà Trang nói.
Anh Nam (huyện Hóc Môn) cho biết trước đây nộp hồ sơ xin tách thửa theo Quyết định 33 nhưng không được giải quyết, do việc thay đổi một số nội dung tại Quyết định 33 và thay thế bằng Quyết định 60 hiện hành, nhằm hạn chế việc “núp bóng” tách thửa để phân lô bán nền. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều địa phương cứng nhắc áp dụng, không giải quyết hồ sơ xin tách thửa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Trường hợp của chị Trang hay anh Nam không phải cá biệt. Hàng ngàn gia đình có nhu cầu chính đáng tách thửa để cho con, hay chuyển nhượng để giải quyết nhu cầu tài chính cho gia đình, nhưng không được giải quyết, khiến người dân bức xúc. Vì thế, người dân đang rất kỳ vọng vào quy định mới về tách thửa.
Vẫn phải chờ “bộ quy chuẩn”
Nghị định 10/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, tại Khoản 5 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014, có nội dung: “Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.
Ngày 29-5, UBND TPHCM ban hành Công văn số 2236/UBND-ĐT triển khai thực hiện Nghị định 10 nói trên. Tuy nhiên khi triển khai, thực tiễn từ cơ sở cho vẫn còn tâm lý e dè khi thực hiện chức năng này.
Theo một cán bộ văn phòng đăng ký đất đai, trong lúc chờ “bộ quy chuẩn”, đơn vị vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng rất thận trọng khi giải quyết. Ông Nguyễn Lê Tuân, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đất đai huyện Bình Chánh, cho biết trong giai đoạn “giao thời” Chi nhánh vẫn tiếp nhận hồ sơ của người dân. Nhưng trong quá trình xem xét vẫn tuân thủ các điều kiện khung của Quyết định 60 và quy định của UBND huyện, như tách từ 3 thửa trở lên phải đưa ra Thường trực ủy ban huyện để thống nhất ý kiến. Bởi lẽ, tại các quận, huyện đang quá trình đô thị hóa như Bình Chánh, có nhiều vấn đề cần phải xem xét thấu đáo để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trong giai đoạn “giao thời” chi nhánh vẫn tiếp nhận hồ sơ của người dân. Nhưng trong quá trình xem xét vẫn tuân thủ các điều kiện khung của Quyết định 60 và quy định của UBND huyện.
Ông Tuân nêu thí dụ, nhiều người sở hữu đất đai rất lâu, phù hợp với quy hoạch, nhưng trong thửa đất có con đường hình thành từ lâu nhưng chưa được cập nhật, pháp lý hóa.
Do đó nếu cứng nhắc sẽ không giải quyết hồ sơ cho người dân, vì vậy phải xem xét cho thấu tình đạt lý, không nên phân biệt “phân lô” và “tách thửa” trong quá trình xử lý hồ sơ vì bản chất là một . Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cũng kiến nghị nên sớm có “bộ quy chuẩn” để các văn phòng đăng ký đất đai mạnh dạn triển khai, giải quyết nhu cầu chính đáng cho người dân.
Bắt đầu rắm rối
Bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM, cho biết hiện nay trong quá trình tách, hợp thửa đất, cơ quan này nhận thấy các chi nhánh khi giải quyết hồ sơ tách, hợp thửa ngoài tiêu chuẩn về kích thước, diện tích tối thiểu, đều lấy ý kiến UBND cấp huyện về các nội dung, như mức độ hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phù hợp về quy hoạch.
Do hiện nay có nhiều khái niệm quy hoạch chưa thống nhất trên địa bàn TPHCM, như đất dân cư xây dựng mới, đất nhóm nhà ở hỗn hợp - đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở ngắn hạn, đất nhóm nhà ở dài hạn, cơ sở hạ tầng xã hội, chỉ tiêu dân số… Từ đó bà Tuyền kiến nghị, trong thời gian chờ UBND TP điều chỉnh Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai phù hợp với Nghị định 10/2023/NĐ, Sở TN-MT cần báo cáo UBND TP thống nhất đối với quy trình tách, hợp thửa.
Cụ thể, người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra nội nghiệp bản vẽ sơ đồ nhà đất về xác định diện tích tách, hợp thửa theo nhu cầu, Chi nhánh sau khi tiếp nhận hồ đề nghị của người sử dụng đất, sẽ lấy ý kiến của UBND cấp huyện (về hạ tầng kỹ thuật, sự phù hợp quy hoạch, chỉ tiêu dân số…). Trong thời hạn 5 ngày làm việc, UBND cấp huyện (hoặc ủy quyền cho phòng ban chuyên môn theo quy định) có trách nhiệm xác nhận vào phiếu lấy ý kiến về việc thống nhất hay không thống nhất đối với hồ sơ đề nghị của người sử dụng đất.
Sau khi có kết quả, Chi nhánh có trách nhiệm xác nhận vào bản vẽ sơ đồ nhà đất (được người sử dụng đất nộp kèm theo) đối với trường hợp chấp thuận được tách, hợp thửa, hoặc phúc đáp bằng văn bản đối với trường hợp không đủ điều kiện và trả kết quả cho người sử dụng đất nhưng tối đa không quá 7 ngày làm việc.
Sau khi nhận kết quả từ Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất chuẩn bị bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa (kèm theo bản vẽ sơ đồ nhà đất đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận) nộp lại tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện, để được giải quyết theo quy định.
Trường hợp tách thửa do thực hiện chuyển quyền đối với một phần thửa đất, người sử dụng đất liên hệ tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc phân chia quyền sử dụng đất, nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng. Các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy trình tách, hợp thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất theo quy định.