Đại biểu HĐND TPHCM: Cần giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số

(ĐTTCO) - Chiều 6-12, kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 13 bước vào phần thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Năm 2024, UBND TPHCM đề xuất chọn chủ đề “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Thảo luận về chủ đề năm và các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024, ĐB Tăng Hữu Phong cho rằng, xét ở một mức độ nào đó thì chuyển đổi số của thành phố vẫn chưa được như mong muốn, yêu cầu đặt ra.

ĐB Tăng Hữu Phong phát biểu thảo luận. Ảnh: HOÀNG HÙNG

ĐB phân tích, TPHCM đã có giai đoạn xây dựng thành phố thông minh với các chương trình, đề án nhưng chưa mang lại kết quả rõ rệt. Do đó, thành phố cần rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các đề án trước đây trong xây dựng thành phố thông minh.

Cho đến nay, việc chuyển đổi số để chuyển hóa từ dữ liệu cho đến lúc ra quyết định trên môi trường mạng được hay không? Theo ĐB, đây không chỉ là nhiệm vụ của năm 2024 mà còn là nhiệm vụ lâu dài.

Về thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, ĐB Tăng Hữu Phong nhận xét, hiện thành phố đang ở bước đầu, các doanh nghiệp đang thực hiện ở một chừng mực nhất định, trong khi yêu cầu của thế giới ngày càng cao. ĐB đề nghị cần có bước đi thúc đẩy nhanh hơn.

ĐB Tăng Hữu Phong cũng chia sẻ, hiện nay cử tri còn lo lắng về tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, từ các doanh nghiệp lớn đến các cơ sở kinh doanh hộ gia đình đang gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào giai đoạn gần tết nhưng giao dịch hàng hóa mua bán chững lại. Cử tri mong muốn thành phố có giải pháp kích cầu để hoạt động kinh doanh, mua bán sôi động hơn, hiệu quả hơn.

Chăm lo an sinh xã hội

Cùng quan tâm đến công tác an sinh xã hội, ĐB Phạm Thị Thanh Hiền (huyện Củ Chi) phân tích, TPHCM đang thực hiện Nghị quyết 98 với những cơ chế đặc thù và Nghị định 73/2023/NĐ-CP. ĐB đề xuất thành phố nên vận dụng để có các chính sách chung giải quyết khó khăn cho các địa phương trong quy hoạch lâu năm chưa triển khai.

Bởi hiện nay các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, tồn tại về quy hoạch lâu năm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, nhiều công nhân thất nghiệp. ĐB đề nghị trong phương hướng nhiệm vụ năm tới, TPHCM cần bổ sung chính sách để chăm lo hơn nữa đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân thất nghiệp.

ĐB Phạm Thị Thanh Hiền thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trao đổi với đại biểu, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, công tác an sinh xã hội luôn được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở LĐTB-XH đã đề xuất thành phố dành khoảng 916 tỷ đồng (tăng khoảng 4% so với năm trước) chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội.

Sở có đề xuất chăm lo thêm trẻ mồ côi, người già và các đối tượng khó khăn khác. Về chăm lo công nhân, Sở LĐTB-XH đã xây dựng kế hoạch giám sát tình hình trả lương, thưởng tết; Liên đoàn Lao động TPHCM cũng đã có kế hoạch chăm lo hỗ trợ khoảng 139.000 trường hợp, với kinh phí trên 171 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các địa phương cũng có kế hoạch chăm lo riêng.

Tại kỳ họp này, Sở LĐTB-XH cũng tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM 2 tờ trình. Đó là tờ trình về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Cùng đó là tờ trình về chế độ hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập thuộc Sở LĐTB-XH quản lý và trại viên Khu điều trị phong Bến Sắn thuộc Sở Y tế quản lý.

Ông Lê Văn Thinh khẳng định nếu được thông qua, đây sẽ là những chính sách giúp thành phố có thêm nguồn lực để chăm lo các đối tượng khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Gỡ vướng hạ tầng

“Đây không phải lỗi của người dân, không phải lỗi người mua, nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Điều này dẫn đến bức xúc của người dân”, ĐB Tăng Hữu Phong nói và đề nghị các cơ quan liên quan cần có quan tâm thúc đẩy việc tháo gỡ nhanh hơn.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Phạm Quỳnh Anh thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cũng quan tâm đến việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà chung cư cho người dân, theo ĐB Lê Minh Đức (quận 4), nguyên nhân chậm là do chậm thẩm định giá để tính thuế, trong khi việc này doanh nghiệp không tự làm được, có tiền cũng không làm được.

ĐB kiến nghị thành phố có giải pháp thúc đẩy quy trình thẩm định giá. Nếu có khó khăn liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương thì kiến nghị để Trung ương tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Một vấn đề khác mà ĐB Lê Minh Đức đề cập là thời gian thực hiện các dự án có sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư. Điểm qua một số dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay chậm tiến độ, dẫn đến tình trạng đội vốn và phát sinh thêm lãi, gây lãng phí, ĐB Lê Minh Đức đặt vấn đề về trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình và đề nghị trong quá trình điều hành, thành phố phải quyết liệt hơn nữa đối với các dự án từ nguồn vốn vay; đồng thời thành phố cần có chế tài để các địa phương, chủ đầu tư phải thực hiện đúng tiến độ, tránh đội chi phí, phát sinh lãi vay.

Thảo luận về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ĐB Phạm Thị Thanh Hiền (huyện Củ Chi) cho biết đây là một trong những chỉ tiêu chưa thực hiện tốt dù thành phố đã có nhiều nỗ lực. ĐB nhìn nhận một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Mà muốn đền bù giải phóng mặt bằng thì phải tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng, nhưng đây lại là khó khăn của các địa phương.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm trao đổi tại buổi thảo luận. Ảnh: HOÀNG HÙNG

ĐB dẫn chứng dự án đường Vành đai 3, riêng huyện Củ Chi có 18 trường hợp phải đền bù giải phóng mặt bằng, đến nay 17 trường hợp đã giao đất nhưng vẫn chưa được cấp nền tái định cư. Đây là câu chuyện rất khó khăn với địa phương vì đã hứa với người dân sau 6 tháng sẽ cấp nhưng đến nay sở ngành vẫn chưa có hướng nào để cấp nền cho người dân. Từ đó, ĐB đề nghị TPHCM cần có sự chuẩn bị trước nơi tái định cư cho người dân khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. TPHCM nên giao cho địa phương đứng ra chuẩn bị nền tái định cư cho người dân.

Các tin khác