Trong cuộc bầu cử của các đại cử tri ngày 19/12, ông Trump đã giành được 304 phiếu, bà Clinton 227 phiếu và 7 phiếu còn lại cho các ứng cử viên khác. Như vậy, tỷ phú bất động sản, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Các thành viên thuộc đoàn đại cử tri mà bỏ phiếu chống lại ý muốn chung của bang hoặc đại đa số phiếu phổ thông thường được gọi là “đại cử tri phản bội”.
Mặc dù bang Texas bỏ phiếu cho ông Trump, đại cử tri của bang này đã bỏ phiếu chọn ứng cử viên Ron Paul và một đại cử tri khác bỏ phiếu cho John Kasich.
Về phía bà Clinton, một đại cử tri tại Hawaii là David Mulinix đã “phản bội” và bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Bernie Sanders thay vì bà Hillary Clinton.
“Lá phiếu của mỗi người lẽ ra phải là điều quyết định. Hệ thống bầu cử theo đại cử tri đã lỗi thời. Có thể hệ thống này hiệu quả năm 1978 khi chẳng ai biết đọc hay biết viết. Nhưng thời đó đã qua lâu rồi”, Mulinix cho biết.
Tại Washington, 3 đại cử tri đã bỏ phiếu cho Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell và 1 người bầu cho ứng cử viên khác, thay vì chọn bà Hillary Clinton.
Đó là chưa kể, 3 đại cử tri khác đã cố gắng không bỏ phiếu cho bà Clinton, tuy nhiên đã thay đổi quyết định vào phút cuối hoặc bị đoàn đại cử tri thay thế bằng một đại cử tri khác.
Từ năm 1990 đến nay, mới chỉ có 8 đại cử tri phản bội
Thực tế, luật pháp Mỹ đặt ra một số quy định để ngăn cản các đại cử tri phản bội.
Thomas Neale, chuyên gia chính phủ về hệ thống bầu cử đại cử trị cho biết, từ năm 1990 đến nay, mới chỉ có 8 đại cử tri phản bội.
30 bang của nước Mỹ đều có quy tắc trói buộc các đại cử tri phải tuân theo ý muốn chung của đại đa số phiếu cử tri phổ thông và các đại cử tri thường được lựa chọn bởi đảng nắm quyền tại mỗi bang.
Tại Washington, các đại cử tri phản bội sẽ phải nộp phạt 1.000 USD theo luật bang. Tuy nhiên, một số bang khác không có quy định phạt này.