Cái kết không có hậu
Trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 27-5, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), đã bán thành công toàn bộ 3 triệu CP đang nắm giữ tại CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Việc ông Đức bán đi số cổ phần cuối cùng của mình tại HNG là động thái được giới đầu tư dự đoán từ lâu, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra bất ngờ với thông tin này, bởi ông Đức hiện vẫn còn đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT HNG.
Một lý do khiến nhiều người ngỡ ngàng vì HNG được ví như “đứa con tinh thần” của ông Đức sau hàng loạt thất bại trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trồng cao su và nuôi bò. Bản thân ông Đức xác định HNG là “con cưng” nên dốc hết trí lực để đầu tư vào đây, với tham vọng gầy dựng một đế chế nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Nếu thành công, HNG sẽ “giải cứu” cho công ty mẹ là HAG. Tuy nhiên, có lẽ như “vận rủi” vẫn chưa buông tha ông Đức, khi HNG tiếp tục rơi vào tình trạng thua lỗ dù nhận được nguồn vốn từ Thaco.
Năm 2018, giới đầu tư chứng kiến một hiện tượng lạ lùng trên TTCK, đó là mã YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1. Doanh nghiệp này chào sàn HoSE trong phiên giao dịch ngày 26-6 với giá tham chiếu lên đến 250.000 đồng/CP. Dù lên sàn với mức giá cao chót vót, nhưng YEG vẫn liên tục tạo sóng và leo lên đỉnh 343.000 đồng/CP.
Ở mức giá đỉnh này, vốn hóa thị trường của YEG lên đến 9.400 tỷ đồng (gấp 34 lần vốn điều lệ). Đây có thể là cú “lột xác” hết sức ngoạn mục của doanh nghiệp mới được thành lập năm 2006 với doanh thu ban đầu chỉ vỏn vẹn 150USD.
Thành công của YEG gắn liền với người sáng lập và cũng là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Thế nhưng, YEG nhanh chóng tuột dốc sau hàng loạt sự cố liên quan đến YouTube và những thương vụ mua bán CP mập mờ. Cũng như ông Đức, mới đây ông Tống bất ngờ công bố bán sạch cổ phần tại YEG.
Cụ thể, ông Tống đăng ký bán hơn 4 triệu CP YEG (tương đương 12,89% vốn), trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 10-6. Đáng chú ý, giao dịch của ông Tống diễn ra trước thời điểm YEG tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022 (ngày 15-6).
CTCP Thaiholdings (THD) cũng là cái kết không có hậu, khi cổ đông sáng lập doanh nghiệp là ông Nguyễn Đức Thụy muốn bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phần (tương ứng 24,97% vốn) trong tháng 6. Với thị giá của THD hiện tại hơn 40.000 đồng/CP, nếu thoái vốn thành công, ông Thụy thu về khoảng 3.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền rất thấp nếu so với thời điểm đỉnh điểm của THD cuối năm 2021 là 277.000 đồng/CP, tương đương 24.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, trước khi leo lên mức giá kỷ lục này THD chỉ giao dịch ở mức giá hơn 4.000 đồng/CP trong năm 2020. Dù không đảm nhiệm chức vụ gì tại THD, nhưng ông Thụy hiện đang ngồi ghế Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.
Thiệt thòi thuộc về cổ đông
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, số cổ phần ông Thụy nắm giữ tại THD đã “bốc hơi” hơn 20.000 tỷ đồng. Thế nhưng, số tiền ông Thụy có thể thu về nhiều khả năng sẽ thấp hơn con số 3.600 tỷ đồng được dự tính ở trên, khi giá CP THD vẫn không ngừng lao dốc.
Theo thống kê, trước khi ông Thụy công bố thoái vốn, giá THD vẫn còn ở mức hơn 53.000 đồng/CP. Khi thông tin được phát ra, THD bị NĐT bán tháo và hiện chỉ còn hơn 40.000 đồng/CP. Tương tự, thông tin ông Đức bán cổ phần tại HNG cũng khiến mã CP này sụt giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Trái ngược với tình cảnh của THD và HNG, mã YEG bất ngờ tăng mạnh sau quyết định “tháo chạy” của ông Tống.
Theo chia sẻ của anh T.H, một NĐT có thâm niên trên TTCK, nếu nhìn vào diễn biến giá của THD sau khi ông Thụy tuyên bố rút lui, có thể thấy NĐT có cái nhìn tiêu cực về quyết định này. Việc lãnh đạo doanh nghiệp bán ra CP có thể là dấu hiệu cho thấy thị giá đang cao hơn giá trị nội tại, hoặc doanh nghiệp sẽ gặp biến cố lớn trong thời gian sắp tới.
Theo anh T.H, “biến cố” của THD có thể liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đặc biệt, trong bối cảnh TTCK ảm đạm như hiện tại, động thái thoái vốn này khiến một lượng tiền không nhỏ sẽ bị rút ra khỏi TTCK, qua đó ảnh hưởng đến thanh khoản cũng như tâm lý NĐT.
Đầu tháng 4, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) công bố thông tin loạt giao dịch CP của lãnh đạo và người có liên quan. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT, đã bán toàn bộ 13,5 triệu CP (tương đương 4,5% vốn); ông Lò Hồng Hiệp, Tổng giám đốc, bán toàn bộ 3 triệu CP (tương đương 1% vốn); bà Nguyễn Hương Nga, Trưởng Ban kiểm soát, bán toàn bộ gần 7,96 triệu CP (tương đương 2,65% vốn); chị gái bà Nguyễn Hương Nga cũng bán toàn bộ gần 6,56 triệu CP (tương đương 2,19% vốn).
Theo ước tính, ở mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 1-4 là 19.700 đồng/CP, 3 lãnh đạo OGC và người nhà đã thu về hơn 610 tỷ đồng. Điều đáng nói, sau khi những người này bán ra, giá CP OGC liên tục giảm và hiện chỉ còn ở mức 12.000 đồng/CP.
Nhận định về động thái bán tháo của lãnh đạo doanh nghiệp gần đây, một chuyên gia CK cho rằng việc người sáng lập hay lãnh đạo doanh nghiệp thoái vốn là hiện tượng hết sức bình thường trên TTCK. Đây là câu chuyện không mới trên TTCK và không phải lúc nào cũng khiến CP rớt giá như trường hợp của YEG. Động thái này tùy thuộc vào thời điểm của thị trường cũng như các yếu tố khác.
Vì có rất nhiều giai đoạn lãnh đạo đăng ký bán ra, nhưng CP vẫn tiếp tục tăng giá, hoặc sẽ giảm mạnh sau đó như trường hợp OGC. “Quan trọng nhất ở đây là góc nhìn về ban lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự làm NĐT cảm thấy tin tưởng lâu dài hay không.
Trong ngắn hạn giá CP biến động cũng một phần do lãnh đạo doanh nghiệp biết trước được điểm rơi của kết quả kinh doanh, nên có động thái bán ra để trục lợi. Như vậy, trong mọi trường hợp, chịu thiệt nhiều nhất vẫn là các cổ đông đang nắm giữ CP của những doanh nghiệp này” - vị chuyên gia chia sẻ.
Theo công văn của Cục Cảnh sát điều tra C03, Thaigroup, công ty con của THD, phải hoàn trả 840 tỷ đồng đã giao dịch với Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan đến thương vụ bán cổ phần tại Bình Minh Group, chủ sở hữu của dự án 11A Cát Linh, Hà Nội. |